Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và hoạt động thực tiễn về hình ảnh giới trong quảng cáo;  Thông qua đó truyền thông để thúc đẩy sự thay đổi trong biên tập nội dung quảng cáo, tiến tới xoá bỏ những nội dung hình ảnh mang định kiến giới trong quảng cáo. Không những vậy, đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm những ngày lễ lớn trong tháng 3 (111 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (08/03/1910-08/03/2021) và 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2021).

Một số liệu thống kê của Google cho thấy có tới 81% người dân Việt Nam dành thời gian cho internet, cho ti vi là 57%, cho báo, tạp chí là 36%, cho radio là 12%. Đặc biệt, một người dân Việt Nam trung bình mỗi ngày dành hơn 10 giờ cho truyền thông. Quảng cáo, truyền thông là kênh thông tin quan trọng giúp định hình nhận thức cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Thực tế, Trên các kênh truyền thông như phim, đài phát thanh, TV, quảng cáo, mạng xã hội có còn tồn tại các hình ảnh thể hiện định kiến, khuôn mẫu về vai trò giới, khả năng lãnh đạo của nữ giới, hay chân dung nam tính, mạnh mẽ của nam giới, từ đó làm tăng thêm định kiến giới đối với người tiếp nhận hay không? Cuộc tọa đàm “Hình ảnh Giới trong Quảng cáo” là một cơ hội để người tham dự trao đổi với các chuyên gia, nhà báo, doanh nghiệp làm quảng cáo về vấn đề này.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam – Trưởng Khoa Giới và Phát triển cho biết: Định kiến giới chính là phân biệt đối xử mang tính lịch sử, bởi sự tồn tại của định kiến giới từ hàng trăm, hàng ngàn năm trong lịch sử phát triển của loài người. Trên thực tế, không chỉ phụ nữ, nam giới cũng là nạn nhân của định kiến giới. Những câu nói có vẻ như dành đặc quyền cho nam giới như ‘đàn ông là trụ cột gia đình’, ‘nam giới là chỗ dựa vững chắc’, ‘nam giới là người độc lập, mạnh mẽ, ga-lăng’ cũng là gánh nặng với không ít nam giới. Tuy nhiên, trong xã hội chịu sự tác động của tư tưởng phụ quyền, định kiến giới đa phần là thiên lệch, tiêu cực đối với phụ nữ.

Tọa đàm đã trải qua ba phiên với những khám phá thú vị làm nổi bật những biểu hiện định kiến về giới trong quảng cáo.

Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chỉ ra sự phân biệt giới từ thông điệp của các quảng cáo thương mại trên truyền hình. Tỷ lệ nam giới xuất hiện cao hơn so với nữ giới với vai trò là nhân vật chính trong quảng cáo. Nam giới có vai trò quan trọng hơn nữ giới, nam giới thường ở vị trí trung tâm, vị trí ra quyết định, nổi bật hơn và phù hợp với việc đó hơn nữ giới. Hình ảnh nữ giới thường được sử dụng để quảng cáo cho các sản phẩm hóa mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp và các sản phẩm phục vụ công việc nội trợ. Những thông điệp này gắn phụ nữ khiên vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ và tài năng của phụ nữ bị xem nhẹ bởi quảng cáo chỉ tập trung đề cao cái đẹp hình thức và tự nguyện thực hiện công việc nội trợ, xem đó như bổn phận của mình mà không đòi hỏi sự chia sẻ từ phía nam giới. Điều này đã ảnh hưởng đến sự phân công lao động không công bằng trong phạm vi gia đình.

Tọa đàm cũng nhận được ý kiến trao đổi của các chuyên gia nghiên cứu về giới và các bạn sinh viên thuộc học viện. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định mối quan tâm của người dân Việt Nam đối với các phương tiện truyền thông; Sự chênh lệch về tỉ lệ xuất hiện giữa nam và nữ kèm theo vai trò và tư cách được định hình khác nhau; Sự cần thiết và cấp bách trong việc tác động, thay đổi định kiến nói chung và đặc biệt là trong quảng cáo, truyền thông nhằm thúc đẩy tiến trình thực hiện chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021. Nghị quyết đặt ra 6 mục tiêu cơ bản, trong đó có Mục tiêu 6 về Bình đẳng giới trong truyền thông, phấn đấu đến năm 2030 có 80% dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới. Duy trì đạt 100% đài phát thanh và truyền hình ở Trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hàng tháng. Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu không có sự thay đổi nhận thức của xã hội, của những người thực hiện các sản phẩm truyền thông thì định kiến giới còn tiếp tục duy trì, củng cố từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mục tiêu 5 về Bình đẳng giới trong Giáo dục, nhấn mạnh rằng, nội dung về giới, bình đẳng giới giới được đưa vào giảng dạy chính thức trong các trường Sư phạm từ năm 2025 trở đi. Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên và duy nhất trên cả nước đào tạo cử nhân Ngành Giới và Phát triển. Các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, ngoại khóa của khoa nói riêng và Học viện nói chung đã và đang góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững. Tọa đàm “Hình ảnh Giới trong Quảng cáo” được tổ chức thành công khi biến diễn đàn thành nơi chia sẻ những góc nhìn khách quan được đúc kết từ nghiên cứu, trải nghiệm của các chuyên gia và khách mời về vấn đề định kiến giới trong quảng cáo. 

Sinh viên ngành Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam

Năm học 2021 – 2022, Học viện tiếp tục tuyển sinh 60 chỉ tiêu Ngành Giới và Phát triển. Sau khi tốt nghiệp, cứ nhân của ngành có đủ kiến thức, năng lực làm việc trong môi trưởng đa dạng, năng động như các dự án, chương trình phát triển, các tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ, tổ chức phi chính phủ, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, trường học, viện nghiên cứu…

Mã ngành Ngành Giới và Phát triển: 7310399

Tổ hợp xét tuyển: A00, A01, C00, D01

Liên hệ: 024 38355243 (Văn phòng khoa)

Fanpage: https://www.facebook.com/gioivaphattrien

Email: gioivapt_gad@vwa.edu.vn