Chủ trì hội thảo là Ths.Trần Thị Hồng Vân – Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ Nữ Việt Nam; đồng chủ trì hội thảo có TS. Bùi Thị Mai Đông, trưởng khoa công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt nam và Ths. Lê Thị Mỹ Hiền – Nguyên phó trưởng khoa Xã Hội Học & CTXH  Trường Đại học Mở TP. HCM; Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Công Tác Xã Hội chuyên nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

Trong phát biểu đề dẫn, ThS. Trần Thị Hồng Vân nhấn mạnh: Hội thảo mong muốn tạo cơ hội để các cơ sở đang đào tạo sinh viên ngành CTXH chia sẻ và nhìn nhận lại các mô hình thực hành đang áp dụng. Hội thảo sẽ tập trung trao đổi các nội dung chính sau:

–         Tổng quan, thực trạng về các mô hình thực hành cho sinh viên ngành CTXH

–         Đánh giá ưu điểm – hạn chế và bài học kinh nghiệm

–         Các yếu tố ảnh hưởng trong lĩnh vực thực hành cho sinh viên ngành CTXH

–         Thông qua hội thảo này ban tổ chức cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo ngành CTXH và các đơn vị trong hoạt động thực hành CTXH.

Ths. Trần Thị Hồng Vân phát biểu đề dẫn hội thảo

Các bài tham luận trong kỷ yếu đã được các tác giả giới thiệu với hội thảo trong đó tập trung vào những kinh nghiệm, các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong công tác tổ chức, hướng dẫn thực hành cho sinh viên ngành CTXH.

Đại diện trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP. HCM chia sẻ: ‘Trong những năm gần đây, mỗi năm trường đều tổ chức được ít nhất một buổi đối thoại giữa nhà trường với cơ sở thực tập, nhà tuyển dụng, kiểm huấn viên và sinh viên để sinh viên có cơ hội gặp gỡ nhà tuyển dụng  nhằm tăng thêm cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên đồng thời cũng là cơ hội để các bên lắng nghe ý kiến của nhau và xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa nhà trường – cơ sở nhận sinh viên thực tập và kiểm huấn viên’.

Trường Đại học Lao động – Xã hội (cơ sở 2) có bề dày hơn 16 năm hợp tác với tổ chức Caritas Đức cùng nhiều cơ sở thực tập trải dài từ tỉnh Quảng Ngãi đến TP. HCM và nối dài đến các tỉnh Miên Tây đã chia sẻ kinh nghiệm hợp tác xây dựng tài liệu chuyên khảo dành cho cán bộ làm việc với người khuyết tật và xây dựng thành công quy trình hướng dẫn sinh viên thực tập.

Ths. Nguyễn Minh Phúc – GV Trường Đại học Lao động – Xã hội (cơ sở 2) trình bày tham luận

 Hội thảo dành nhiều thời gian cho các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá và góp ý giúp hoàn thiện hơn các mô hình và vận dụng một cách phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị.

Một số đại biểu đề nghị các trường cần chủ động kết nối với nhau một cách chặt chẽ hơn thông qua các hoạt động hợp tác như: tổ chức các hội thảo hoặc các buổi thảo luận nhằm tìm giải pháp khắc phục những khó khăn bất cập trong tổ chức hoạt động thực hành CTXH cho SV; Các trường có thể đối thoại để cùng sắp xếp thời gian gửi sinh viên thực tập phù hợp để tránh tình trạng nhiều nhóm sinh của nhiều trường đến thực tập cùng một cơ sở dẫn đến những khó khăn cho việc quản lý của  kiểm huấn viên và sinh viên không đủ thời gian cũng như thiếu cơ hội để tiếp xúc với thân chủ; vấn đề kinh phí hạn chế cũng là một trong những rào cản đối với công tác tổ chức thực hành/ thực tập cho sinh viên hiện nay.

Ths. Lê Thị Mỹ Hiền điều hành thảo luận tại hội thảo

Hội thảo đã đạt được các ý kiến đồng thuận trong công tác tổ chức thực hành như: cần thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực thực tập cho các kiểm huấn viên tại cơ sở để họ có thể hỗ trợ sinh viên tốt hơn; Công tác thực tập ngành CTXH cần đa dạng hơn nữa với các lĩnh vực thực hành mới như CTXH trong bệnh viện, CTXH học đường; Các trường cần chủ động xây dựng mối quan hệ khăng khít hơn nữa giữa các bên liên quan chủ chốt gồm nhà trường/khoa, cơ sở xã hội và kiểm huấn viên; cùng góp chung  tiếng nói (vận động/biện hộ) với các cơ quan chức năng (Ban chỉ đạo Đề án 32, các sở ngành liên quan…) để thúc đẩy kiện toàn cơ cấu bộ máy, khung pháp lý và cơ chế vận hành đề án phát triển nghề CTXH tại Việt Nam.

Thành công của hội thảo thể hiện tinh thần trách nhiệm và nỗ lực hết mình để cập nhật tri thức và tìm ra các phương pháp tối ưu trong công tác đào tạo và thực hành.