Đơn vị đào tạo: Khoa Công tác xã hội – Học viện Phụ nữ Việt Nam 

Ngành Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam được triển khai đào tạo ở trình độ đại học năm 2013. Đến nay đã có hàng ngàn sinh viên, học viên tốt nghiệp hoặc đang theo học các hệ chính quy, liên thông. Năm 2019, Học viện đào tạo hệ cao học và năm 2023 bắt đầu đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Công tác xã hội. Số lượng học viên theo học các hệ đào tạo ngành Công tác xã hội tại Học viện ngày càng nhiều, khẳng định vị thế nghề nghiệp của một ngành đào tạo tuy còn mới mẻ nhưng thực sự đã có chỗ đứng quan trọng trong xã hội.

Công tác xã hội là hoạt động theo các nguyên tắc và phương pháp riêng nhằm hỗ trợ các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội và cộng đồng dân cư giải quyết các vấn đề của họ. Công tác xã hội hướng tới giúp đỡ, hỗ trợ những người gặp khó khăn trong cuộc sống, người có hoàn cảnh đặc biệt. Nhóm người này có thể là bất kì ai như: phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghiện ma túy…. Mục tiêu của Công tác xã hội là giúp họ nhận thức, xác định và giải quyết được “vấn đề” của mình, vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng, góp phần ổn định, thúc đẩy xã hội phát triển. Qua đó Công tác xã hội theo đuổi mục tiêu vì hạnh phúc của con người và vì sự tiến bộ của xã hội, làm cho xã hội phát triển hài hòa, bền vững và bình đẳng.  

Học Công tác xã hội ra làm gì?

Ngành Công tác xã hội đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước thông qua việc phát triển nó trở thành một nghề quan trọng tại Việt Nam. Theo số liệu điều tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ở nước ta, cứ 100 người thì có 28 người cần tới sự trợ giúp của các dịch vụ Công tác xã hội. Tuy vậy, không phải ai cũng biết đến sự có mặt của nghề này hay nói khác đi, không có nhiều người hiểu đầy đủ Công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp… Sự phát triển của xã hội đã kéo theo sự cần thiết phải quan tâm đến ngành Công tác xã hội. Có thể nói, hiện nay nguồn nhân lực của Việt Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản trong lĩnh vực Công tác xã hội đang thiếu hụt, từ các đơn vị/tổ chức trung ương đến địa phương. Chính vì vậy, Công tác xã hội là một ngành mang lại cơ hội việc làm rộng mở sau khi ra trường. Nếu bạn vẫn còn băn khoăn “Học Công tác xã hội ra trường làm gì?” thì đây là một vài gợi ý lựa chọn nghề nghiệp cho bạn, bạn có thể:

Là cán bộ, chuyên viên, nghiên cứu viên trong các cơ quan chuyên trách của các tổ chức chính trị – xã hội các cấp.

Là cán bộ hoạch định chính sách xã hội, chuyên viên, nghiên cứu viên trong các cơ quan của ngành Lao động – Thương binh – Xã hội các cấp. 

Là giảng viên, nghiên cứu viên Công tác xã hội trong các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, trung tâm, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp… 

Là nhân viên xã hội, kiểm huấn viên, chuyên viên trong các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội thuộc cơ quan nhà nước, tư nhân, phi chính phủ, quốc tế…

 Là cán bộ, chuyên viên làm việc độc lập tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể hoặc thuộc các các lĩnh vực: y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội…; công chức làm việc tại các cơ quan/tổ chức địa phương. 

Là chủ các cơ sở trợ giúp người yếu thế, tự khởi nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến Công tác xã hội.