Trong phần thuyết trình, ông Tony đã cung cấp cho giảng viên khoa CTXH và học viên lớp bồi dưỡng CTXH các kiến thức nền tảng về nguy cơ xảy ra thảm họa trong thời đại hiện nay: “Một trong các đặc điểm chính của cuộc khủng hoảng trong xã hội hiện đại là việc tăng số lượng các tình huống cực đoan…các thảm họa do con người và thiên nhiên, những xung đột quốc tế, các cuộc chiến tranh địa phương, các hành động khủng bố và những tình huống cực đoan khác trở nên thường xuyên hơn”.

Sau đó bài thuyết trình đi sâu vào phân tích trường hợp Cuộc bao vây một trường học địa phương ở Beslan, Bắc Ossestia – một khu vực tự trị thuộc Liên Bang Nga xảy ra tháng 9 năm 2004. Sau khi quân đội tấn công những kẻ khủng bố và giải phóng cho các con tin, các nhân viên CTXH Beslan là một trong những lực lượng đầu tiên tiếp cận và hỗ trợ các em học sinh – những nạn nhân chính của vụ khủng bố và người thân của các em cũng như cộng đồng địa phương tại đây.

 

Khối lượng công việc nhiều cùng với việc chưa có kinh nghiệm trong những tình huống như thế này đã làm cho các nhân viên CTXH Beslan liên tục phải sống trong căng thẳng, bị quá tải về cả công việc và cảm xúc. Một dự án đã được triển khai để giúp các nhân viên CTXH tại đây vượt qua được tình trạng khó khăn, cân bằng cuộc sống và công việc. Đồng thời trong khuôn khổ Dự án này, một nhóm nhân viên CTXH địa phương đã đến Matxcova và kể lại câu chuyện của mình cho các cơ quan cấp cao trong Quốc hội Nga để chính quyền và người dân hiểu hơn về những khó khăn khi thực hiện công việc của họ.

Sau thành công của Dự án hỗ trợ các nhân viên CTXH ở Beslan, một dự án mới với tên gọi IBPP được khởi động nhằm “Hỗ trợ tinh thần và tâm lý, đào tạo cho nhân viên làm việc với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thảm họa”.Mục tiêu rộng hơn của dự án là trao quyền cho các cơ quan vùng và địa phương đóng vai trò tích cực trong việc phản ứng với một tình huống khủng hoảng do một vụ tấn công khủng bố hoặc một tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt quan tâm đến các can thiệp khủng hoảng tâm lý – xã hội cần thiết để hỗ trợ những gia đình trực tiếp bị tổn hại và toàn thể cộng đồng địa phương. Các kết quả của Dự án mới này đã được phổ biến trên toàn nước Nga.

 
 
Bài thuyết trình đã thu hút sự quan tâm hứng thú của các giảng viên khoa CTXH và học viên lớp bồi dưỡng CTXH. Trong thời gian làm việc buổi chiều, nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến hoạt động của nhân viên CTXH ở Beslan trong và sau cuộc bao vây, nguyên nhân đưa đến thành công của ba mô hình thí điểm của Dự án IBPP ở ba khu vực địa lý khác nhau trên nước Nga và đặc biệt là cách phân biệt sự căng thẳng do công việc và sự kiệt sức ở nhân viên CTXH.   

 

Ông Tony đã nhiệt tình giải đáp các câu hỏi của các thành viên tham gia và chia sẻ thêm một số quan điểm cá nhân về đặc điểm của CTXH tại Nga. Các thành viên tham gia cũng phát biểu đánh giá cao những kiến thức mới thu nhận được sau khi nghe bài thuyết trình và nhận thấy tầm quan trọng, thiết thực của CTXH trong quản lý thảm họa với một nước đã và đang hứng chịu những thảm họa do thiên nhiên và đặc biệt là do hậu quả chiến tranh gây ra như Việt Nam.

Cuối buổi trao đổi, đại diện lãnh đạo Khoa Công tác xã hội đã thay mặt các thành viên phát biểu, bày tỏ sự cảm ơn và mong sớm được gặp lại ông Tony Widmer cùng các đồng nghiệp là những nhà CTXH khác trong các chuyến thăm Việt Nam sắp tới. Lãnh đạo Khoa Công tác xã hội cũng thay mặt Ban Giám đốc Học viện trao quà kỷ niệm cho ông Tony. Kết thúc buổi làm việc, ông Tony cùng chụp ảnh kỷ niệm với các giảng viên khoa Công tác xã hội, học viên lớp bồi dưỡng Công tác xã hội của Học viện.