Tại Trung tâm, đoàn đã được nghe lãnh đạo trung tâm giới thiệu và báo cáo về tình hình hoạt động trợ giúp các đối tượng được nhà nước bảo trợ hiện đang sống tại trung tâm, bao gồm trên 70 đối tượng, trong đó 21 đối tượng là người già cô đơn, không nơi nương tựa và 50 đối tượng là người khuyết tật. Cũng tại trung tâm, đoàn thực tế đã trao đổi, chia sẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm Công tác xã hội với các cán bộ quản lý đối tượng của Trung tâm. Đoàn đặc biệt quan tâm đến việc vận dụng các kỹ năng thực hành của nhân viên xã hội trong Công tác xã hội cá nhân đối với 2 nhóm đối tượng: người già cô đơn và người khuyết tật như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý ca; các biện pháp can thiệp/trợ giúp đối với các trường hợp điển hình của trung tâm…

Được sự đồng ý và tao điều kiện của lãnh đạo trung tâm, sau buổi làm việc với lãnh đạo và các bộ quản lý đối tượng, đoàn đã đi thăm nơi ăn, chỗ ở của các đối tượng; trò chuyện với các đối tượng để thực hành tìm hiểu thông tin, nhận diện vấn đề của đối tượng. Một số thành viên của đoàn đã tranh thủ tham vấn cho đối tượng khi phát hiện đối tượng có vấn đề bức xúc, cần được giải tỏa.

Sau một ngày quan sát, lắng nghe và trao đổi với cán bộ lãnh đạo trung tâm, cán bộ quản lý đối tượng và đặc biệt là qua tiếp xúc trực tiếp với đối tượng, đoàn thực tế đã thu thập được nhiều thông tin bổ ích cho việc giảng dạy và thực hành nghề Công tác xã hội. Trong cuộc họp rút kinh nghiệm về chuyến đi thăm và làm việc ở Trung tâm của đoàn vào buổi tối cùng ngày, các thành viên của đoàn đã đưa ra một số nhận xét sau đây:

Thứ nhất,nghề Công tác xã hội đã và đang được chuyên môn hóa dần dần tại các Trung tâm bảo trợ xã hội  nói chung; trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh nói riêng.  Mặc dù, tỷ lệ cán bộ, nhân viên Công tác xã hội được đào tạo chính qui, bài bản về nghề Công tác xã hội còn rất thấp, song các kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội mà các cán bộ, nhân viên Công tác xã hội được tập huấn trong các lớp bồi dưỡng đã và đang phát huy tác dụng của nó.

Thứ hai, khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành nghề Công tác xã hội còn khá xa. Một số lý thuyết trong công tác xã hội như lý thuyết về người cao tuổi, các lý thuyết tâm lý về người khuyết tật… chưa được vận dụng trong quá trình tham vấn, trợ giúp đối tượng; một số kỹ năng của nhân viên xã hội chưa được vận dụng hoặc đã được vận dụng nhưng còn nhiều lúng túng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng biện hộ, kỹ năng làm việc nhóm…

Thứ ba, các đối tượng trợ giúp của Công tác xã hội là những mảnh đời hết sức éo le và rất đáng thương tâm. Những vấn đề mà họ chưa tự mình tìm ra biện pháp giải quyết hết sức phức tạp và đa dạng, đòi hỏi nhân viên xã hội không chỉ phải có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết mà còn phải có nhiều kinh nghiệm trong công việc; đặc biệt phải có lòng nhân ái, yêu thương con người; tận tụy với công việc chăm sóc, nuôi dưỡng; trợ giúp những người gặp khó khăn như tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm bảo trợ xã hội tại Uông bí – tỉnh Quảng Ninh.

Từ những nhận xét trên, đoàn đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cần được quan tâm thực hiện:

– Cần tăng cường tính thực hành trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên nghề công tác xã hội

– Cần xây dựng mạng lưới thực hành rộng khắp để sinh viên xuống thực hành. Tổ chức nhiều đợt kiến tập, thực hành, thực tập để sinh viên được tiếp xúc thường xuyên với môi trường thực tế về Công tác xã hội

– Nhà nước cần bổ sung các văn bản qui phạm pháp luật qui định cơ chế phối hợp giữa trung tâm bảo trợ với các ngành có liên quan trực tiếp đến hoạt động trợ giúp đối tượng như: Giáo dục, y tế, tư pháp, bảo hiểm xã hội…

– Cần tăng cường giáo dục lòng nhân ái và đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên ngành Công tác xã hội và nhân viên xã hội đang công tác tại các trung tâm bảo trợ xã hôi; các nhà xã hội; các mô hình trợ giúp đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Những bài học kinh nghiệm nêu trên chắc chắn sẽ được khoa Công tác xã hội thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam vận dụng phù hợp trong hoạt động xây dựng chương trình, tài liệu, cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy và học tập ngành Công tác xã hội cho sinh viên của Học viện hiện nay.