Công tác xã hội được hình thành và phát triển với xuất phát điểm là những hoạt động mang tính tự phát, cùng với các hoạt động của tổ chức tôn giáo các hoạt động công tác xã hội cũng dần có những thay đổi và mang tính tổ chức cao hơn. Phát triển song song với sự phát triển của xã hội hiện nay, công tác xã hội đang thực hiện tốt vai trò kết nối của mình để từ đó có thể hỗ trợ tốt nhất, bao phủ rộng nhất đến tất cả các nhóm người yếu thế trong xã hội. Ở Việt Nam, công tác xã hội được manh nha từ cuối thập kỷ 40 và khởi xướng bằng những hoạt động của của hội chữ thập đỏ. Trải qua những thời kỳ phát triển khác nhau công tác xã hội của Việt Nam đang ngày càng chuyên nghiệp và dần ngang tầm với các ngành khác và công tác xã hội trên thế giới. Trong những năm gần đây, công tác xã hội đã có những bước tiến quan trọng mang tính đột phá cao và được ghi nhận bằng các sự kiện: Năm 2004 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mã ngành đào tạo công tác xã hội, ngày 25/5/2010 Chính Phủ phê duyệt Đề án 32 – Đề án phát triển nghề Công tác xã hội, tháng 8/2010 Bộ nội vụ ban hành chức danh mã số các ngạch viên chức công tác xã hội. Hiện nay, công tác xã hội đã hoàn thiện về mặt thể chế và khẳng định được tính chuyên nghiệp của mình trong xã hội. Hiện nay, có khoảng hơn 40 trường đại học, cao đẳng trong cả nước đào tạo ngành Công tác xã hội. Đây là một thuận lợi và là điều kiện cần thiết để phát triển ngành Công tác xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này đặt ra một thách thức về chất lượng đầu ra của sinh viên ngành Công tác xã hội để có thể cạnh tranh và có một vị trí việc làm phù hợp, có thể cống hiến nhiều nhất cho xã hội, cho sự công bằng và bình đẳng của con người.
Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập với hai chuyên ngành đào tạo là Công tác xã hội và Quản trị kinh doanh. Hiện nay, với gần 500 sinh viên hệ cử nhân ngành Công tác xã hội, Học viện đang hướng đến đào tạo đội ngũ sinh viên Công tác xã hội có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của xã hội. Theo đó, chương trình khung ngành công tác xã hội của Học viện Phụ nữ Việt Nam được ban hành theo hướng tăng cường thời lượng các học phần thực hành, thực tập và ngoại ngữ. Với khung chương trình này, sinh viên sẽ đi thực hành, thực tập rất nhiều đợt: Thực tập công tác xã hội, sinh viên sẽ kiến tập về công tác xã hội, tổ chức vào học kỳ 4 của chương trình, thời lượng 3 đơn vị học trình; Thực hành đợt I, II, sinh viên sẽ thực hành môn học công tác xã hội cá nhân và nhóm, tổ chức vào học kỳ 5 của chương trình, thời lượng 8 đơn vị học trình; Thực hành đợt III, sinh viên sẽ thực hành môn học Phát triển cộng đồng, tổ chức vào học kỳ 6 của chương trình, thời lượng 4 đơn vị học trình; Thực tập cuối khóa, sinh viên sẽ lựa chọn địa điểm phù hợp để thực tập toàn bộ những nội dung về Công tác xã hội đã học, tổ chức vào học kỳ 8, thời lượng 7 đơn vị học trình. Trong thời lượng của bài viết tác giả giới thiệu và chia sẻ hoạt động thực hành môn học Công tác xã hội cá nhân và nhóm của sinh viên ngành Công tác xã hội tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Giảng viên và sinh viên khoa CTXH – HVPNVN khóa I
Mục tiêu của hoạt động thực hành môn học công tác xã hội cá nhân và nhóm hướng đến đó là sinh viên có khả năng tổng hợp, đánh giá giữa lý thuyết công tác xã hội với thực tiễn, từ thực tiễn giúp sinh viên phân tích và vận dụng phù hợp những lý thuyết đã học để thực hành. Do vậy, Sinh viên cần phân tích được các nguyên tắc hành động, quy chuẩn đạo đức của nghề công tác xã hội và các phẩm chất năng lực cần có của nhân viên công tác xã hội; Ứng dụng được các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế tại cơ sở thực hành; Sinh viên có khả năng vận dụng được các lý thuyết về cá nhân, nhóm, gia đình và công tác xã hội đã học để tổ chức các hoạt động thực hành tại cơ sở thực hành; Vận dụng được các kỹ năng quan sát, điều phối, tham vấn, kỹ năng nhận diện vấn đề, lên kế hoạch giải quyết vấn đề vào quá trình thực hành với thân chủ tại cơ sở thực hành; Vận dụng các triết lý, quy điều đạo đức, các lý thuyết tiếp cận vào quá trình nghiên cứu và thực hành nghề nghiệp; Sinh viên tự tin, nghiêm túc trong quá trình thực hành với nhóm thân chủ theo các nguyên tắc và quy trình công tác xã hội tại các cơ sở thực hành; Say mê nghiên cứu các môn học về công tác xã hội và muốn gắn bó với nghề công tác xã hội.
Nội dung thực hành: Quá trình thực hành được chia làm ba giai đoạn với những nhiệm vụ cụ thể mà sinh viên phải thực hiện dưới sự hướng dẫn của giảng viên bộ môn. Phần đầu sinh viên được hướng dẫn các kỹ năng, kiến thức và công cụ phục vụ cho thực hành trực tiếp tại cơ sở thực hành; Phần thứ hai sinh viên trực tiếp thực hành các kỹ năng của công tác xã hội vào giải quyết vấn đề của thân chủ tại cơ sở thực hành; Phần cuối cùng sinh viên phải hoàn thiện báo cáo thực hành cá nhân, nhóm và báo cáo trước lớp dưới sự hướng dẫn, đánh giá của giảng viên.
Theo Những thành tố của thực hành công tác xã hội, để hoạt động thực hành môn học có hiệu quả và đảm bảo đúng yêu cầu về thực hành, thực tập thì những thành tố sau không thể thiếu trong quá trình thực hành môn học của sinh viên ngành Công tác xã hội, đó là:Cơ sở thực hành, cơ sở thực hành là một thành tố quan trọng không thể thiếu trong hoạt động thực hành môn học công tác xã hội của sinh viên. Cơ sở thực hành ở đây có thể chia theo các nhóm sau:Hệ thống các cơ quan, tổ chức của Chính phủ thuộc lĩnh vực làm công tác xã hội: Bộ Lao động – Thương binh và xã hội; Bộ y tế; Bộ giáo dục và đào tạo; Bộ tư pháp; Bộ công an…; Các tổ chức Chính trị – xã hội, các Hội: Đoàn Thanh niên; Hội Phụ nữ; Công đoàn; Hội nông dân; Hội cựu chiến binh…; Các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: UNICEF, WHO..; Các tổ chức tư nhân; các hiệp hội nghề nghiệp;…Đây sẽ là nơi sinh viên được áp dụng những kiến thức đã học về Công tác xã hội cá nhân, gia đình và nhóm vào quá trình thực hành trực tiếp với thân chủ; bên cạnh đó sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức làm trong lĩnh vực công tác xã hội.Kiểm huấn viên, kiểm huấn viên ở đây được hiểu là những người cung cấp các kiến thức giúp xây dựng và phát triển các kỹ năng dựa trên vốn sống và kinh nghiệm làm việc trước đó của sinh viên; giúp sinh viên phát triển năng lực trong các lĩnh vực chuyên môn mới. Kiểm huấn viên có thể là những giảng viên trực tiếp làm công tác giảng dạy, những cán bộ làm việc tại các cơ sở xã hội, các trung tâm thực hành…họ là những người vững về chuyên môn có thể cầm tay chỉ việc giúp sinh viên làm tốt những công việc tại cơ sở. Kiểm huấn có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, kèm cặp, hỗ trợ, đánh giá sinh viên về mặt chuyên môn trong quá trình thực hành. Kiểm huấn viên là những người có kinh nghiệm thực tế với những trường hợp cụ thể tại cơ sở, họ là người trực tiếp hỗ trợ sinh viên trong việc giải quyết các vấn đề tại cơ sở. Bên cạnh đó, họ còn là người giúp sinh viên tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn khi thực hành các hoạt động tại cơ sở. Kiểm huấn viên còn là người theo dõi, giám sát và có những điều chỉnh kịp thời, định hướng cho sinh viên trong quá trình thực hành đạt kết quả cao nhất.Giảng viên hướng dẫn, với vai trò là người phối hợp cùng với kiếm huấn viên để hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình thực hành. Giáo viên hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hỗ trợ sinh viên trong việc xác định mục tiêu cần đạt được từ đợt thực hành; cùng với kiểm huấn viên tổ chức các buổi họp kiểm huấn; tạo điều kiện cho sinh viên học tập bằng cách cung cấp các hướng dẫn và các nguồn thông tin khi cần thiết; hỗ trợ sinh viên vận dụng lý thuyết công tác xã hội trong quá trình thực tập thông qua các buổi họp kiểm huấn; giải đáp các thắc mắc của sinh viên về các công cụ đánh giá kết quả thực hành; trao đổi với kiểm huấn viên để đánh giá những tiến bộ của sinh viên; trao đổi, thống nhất với kiểm huẩn viên để đưa ra kết quả đánh giá cuối cùng cho sinh viên thực hành. Sinh viên, với vai trò là người tham gia và quyết định kết quả của thực hành. Sinh viên phải là người tham gia từ xây dựng kế hoạch, thực hiện kế hoạch, lựa chọn cơ sở thực hành và hoàn thiện các báo cáo.Sinh viên có trách nhiệm phải tham gia đầy đủ thời gian và các hoạt động thực hành tại cơ sở thực hành; chấp hành tốt các nội quy và quy chế thực hành, các nội quy và điều lệ của cơ sở thực hành; làm việc dưới sự giám sát và hướng dẫn chuyên môn của giáo viên hướng dẫn và kiểm huấn viên tại cơ sở thực hành.Trong quá trình thực hành, nhóm sinh viên phải ghi nhật ký thực hành hằng ngày nhằm phản ảnh đầy đủ các hoạt động thực hành của nhóm. Kết thúc đợt thực hành, mỗi nhóm sinh viên phải nộp một báo cáo thực hành cá nhân và nhóm phải hoàn thành một báo cáo thực hành của cả nhóm. Báo cáo thực hành phải được thực hiện theo đúng các yêu cầu và hình thức qui định. Báo cáo thực hành cá nhân dưới dạng nhật nhật ký, dài khoảng 15 – 30 trang, báo cáo thực hành nhóm khoảng 20 – 30 trang. Nội dung báo cáo phải đảm bảo các yêu cầu: Thể hiện được các hoạt động sinh viên và nhóm đã thực hiện tại cơ sở thực hành; thể hiện các kết quả đạt được trong quá trình thực hành; phản ánh được những lý luận, phân tích, suy nghĩ của sinh viên và nhóm trong suốt quá trình thực hành; có ý kiến nhận xét và xác nhận của cơ sở nơi thực hành.Sau khi hoàn thành báo cáo, các nhóm sinh viên sẽ có một buổi trình bày báo cáo thực hành nhóm trước lớp.
Tuy nhiên, trên thực tế trong công tác thực hành môn học còn tồn tại một số hạn chế làm giảm hiệu quả thực hành của sinh viên: Mạng lưới các cơ sở, trung tâm thực hành cho sinh viên còn ít và chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất và hệ thống thân chủ để sinh viên có thể thực hành; Đội ngũ kiểm huấn viên còn thiếu và yếu, chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác xã hội và hoạt động thực hành nên chưa đảm nhận tốt vai trò hướng dẫn sinh viên; Thiếu quy trình hướng dẫn thực hành môn học một cách chi tiết, khoa học, đáp ứng yêu cầu môn học và hỗ trợ sinh viên và giảng viên hướng dẫn cũng như kiểm huấn viên trong quá trình hướng dẫn thực hành; Tính chủ động và sáng tạo trong sinh viên trong quá trình lập kế hoạch, đi thực hành chưa cao.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thực hành môn học công tác xã hội cá nhân và nhóm Học viện đã tiến hành các giải pháp sau: Một là, Học viện Phụ nữ Việt Nam và trực tiếp là khoa Công tác xã hội đã xây dựng mạng lưới các cơ sở, trung tâm và cộng đồng là môi trường chuyên nghiệp để sinh viên có thể thực hành môn học tốt nhất. Mạng lưới các cơ sở thực hành được bao phủ rộng khắp bao gồm các Trung tâm, các Trường, Hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Hai là, liên kết đào tạo đội ngũ kiểm huấn viên cơ sở thông qua các hình thức như tập huấn, đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm. Tổ chức các cuộc thi kiểm huấn viên cơ sở giỏi nhằm thu hút và kết nối mạng lưới kiểm huấn viên có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn. Ba là, xây dựng, hoàn thiện và ban hành quy định, quy chế và những văn bản hướng dẫn thực hành, thực tập. Học viện đã xây dựng và ban hành các văn bản, đề cương chi tiết, hướng dẫn cụ thể để sinh viên và giảng viên có cơ sở hướng dẫn thực hành, thực tập. Bốn là, mở rộng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan, tổ chức làm việc trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công tác xã hội để triển khai các chương trình thực hành môn học tại các cơ sở thực hành. Học viện đã hợp tác với rất nhiều các cơ quan, tổ chức phi chính phủ, các trường đại học trên thế giới để tạo một mạng lưới rộng khắp và đa dạng để sinh viên có thể thực hành, thực tập một cách hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Thị Xuân Mai (2012), Giáo trình Nhập môn công tác xã hội, NXB Lao động – Xã hội
2. Nguyễn Thị Thái Lan (chủ biên) (2008), Giáo trình Công tác xã hội nhóm, NXB Lao động- Xã hội.
3. Nguyễn Hải Hữu, (2007), Giáo trình Nhập môn An sinh xã hội, Trường ĐH Lao động -Xã hội, Nxb Lao động – Xã hội
4. Học viện Phụ nữ Việt Nam, Chương trình đạo tạo ngành Công tác xã hội, ban hành năm 2012.
5. Khoa Công tác xã hội, Học viện phụ nữ Việt Nam,(2014),Qui chế thực hành, thực tập của Học viện phụ nữ Việt Nam
6. Khoa Công tác xã hội, Học viện phụ nữ Việt Nam, (2014),Mẫu kế hoạch, báo cáo thực hành, thực tập.
7. Khoa Công tác xã hội, Học viện phụ nữ Việt Nam, (2014),Mẫu đề cương chi tiết học phần thực hành công tác xã hội 1,2,3.
8. Trần Văn Kham (2012),Lý luận về thực hành Công tác xã hội (Tài liệu dịch)