Các khách mời tham gia hội thảo gồm có: PGS.TS Mai Quỳnh Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Quý Thanh, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí, Học viện báo chí & Tuyên truyền; PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Trưởng khoa Báo chí-Truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội; Th.S Từ Thúy Quỳnh, Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo TW. Các đại biểu tham gia hội thảo gồm các cán bộ đến từ Ban tuyên giáo TW; đại diện là trưởng, phó các khoa phòng và tập thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện PNVN.

Nội dung chính của hội thảo tập trung vào các chủ đề: Một số vấn đề lý luận trong nghiên cứu dư luận xã hội; Công tác nghiên cứu nắm bắt dư luận xã hội-những vấn đề cần quan tâm về qui định và thực tiễn triển khai; Phương pháp nghiên cứu, tổng hợp, phân tích dư luận xã hội; Bản chất, vai trò và các vấn đề liên quan của dư luận xã hội; Kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu dư luận xã hội, những băn khoăn và thách thức trong thời đại truyền thông bùng nổ.

Th.S Từ Thúy Quỳnh, Viện Nghiên cứu DLXH, đã chỉ rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác nghiên cứu, nắm bắt DLXH. Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới thành lập đã quan tâm tới việc nắm bắt lòng dân, tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân, nhằm đề ra được các chủ trương, đường lối cách mạng phù hợp lòng dân. Gần đây nhất, ngày 18/8/2014 Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa (XI) đã ra Kết luận số 100-KL/TW về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH. Đây được coi là căn cứ pháp lý để chúng ta tổ chức thực hiện những cuộc điều tra DLXH.

Về một số lý luận trong nghiên cứu DLXH, PGS.TS Nguyễn Quí Thanh đã có bài trình bày rất tâm huyết và rõ nét. PGS. TS Nguyễn Quí Thanh đã nêu lên một số quan niệm sai về DLXH và hướng tới việc cần phải hiểu đúng về bản chất của DLXH. DLXH không phải là tin đồn, DLXH có sắc thái đánh giá, các vấn đề đánh giá là những vấn đề có ý nghĩa và động chạm đến lợi ích. Chỉ những vấn đề nào rơi vào sự chú ý của công chúng mới có thể thành nội dung của DLXH. DLXH chỉ đề cập đến vấn đề công cộng, không đề cập đến vấn đề riêng tư.

 
 PGS.TS Nguyễn Quý Thanh, Viện trưởng Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo
Về phương pháp nghiên cứu, điều tra DLXH, PGS. TS. Nguyễn Quý Thanh, PGS TS. Mai Quỳnh Nam, PGS TS. Nguyễn Văn Dững đều khẳng định tầm quan trọng của việc chọn mẫu. Vậy chọn mẫu như thế nào thì đúng, như thế nào thì đảm bảo tính đại diện. Về cơ bản, mẫu phải có dung lượng lớn. Mẫu phải được chọn theo logic khách quan, khoa học: ngẫu nhiên đơn giản, ngẫu nhiên hệ thống, ngẫu nhiên phân tầng, hoặc ngẫu nhiên phân cụm (một giai đoạn/nhiều giai đoạn). Điều tra DLXH luôn luôn sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, bên cạnh phương pháp chính là định lượng, người nghiên cứu có thể kết hợp sử dụng các phương pháp định tính để nhằm hiểu rõ hơn về ý nghĩa của vấn đề.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí, Học viện báo chí & Tuyên truyền chia sẻ kinh nghiệm
Về mối quan hệ giữa nghiên cứu, điều tra DLXH với truyền thông đại chúng. PGS.TS. Nguyễn Văn Dững và PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi DLXH được hình thành trên truyền thông đại chúng. Truyền thông đại chúng là kênh thông tin vô cùng quan trọng của DLXH. Từ truyền thông đại chúng, DLXH có thể được hình thành, bùng nổ, và đôi khi được dẫn dắt theo một hướng nhất định. Các PGS đều khẳng định sự băn khoăn và vấn đề thách thức của nghiên cứu, điều tra DLXH trong bối cảnh truyền thông bủng nổ, kỹ thuật số phát triển.

PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương Trưởng khoa Báo chí-Truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm điều tra dư luận XH

Dù thời gian hội thảo có hạn, nhưng các PGS.TS cũng đã nhiệt tình và tâm huyết chia sẻ, trả lời những câu hỏi được nêu trong Hội thảo. PGS.TS Mai Quỳnh Nam khẳng định, nghiên cứu, điều tra DLXH không chỉ về lý thuyết, mà kỹ thuật, kênh phân tích đều phải hết sức tỉnh táo, đòi hỏi người nghiên cứu phải có trình độ và kỹ thuật cao. Nếu quá trình điều tra DLXH làm không đúng khách quan và khoa học, chức năng lời khuyên sẽ bị tổn thương.

Th.S Nguyễn Hoàng Anh – Viện Phó Viện NCPN, Học viện PNVN, trân trọng cảm ơn các chuyên gia đã giành thời gian và tâm huyết đến chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về điều tra DLXH. Qua buổi hội thảo này, Viện Nghiên cứu Phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã thu nhận được những kiến thức bổ ích, để có những tham mưu mang tính khoa học, sát thực cho Đoàn chủ tịch TW Hội nhằm mở ra những hướng nghiên cứu và hợp tác trong tương lai, phục vụ thiết thực cho mục tiêu vì phát triển, sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới.