TS. Trần Quang Tiến, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc và giới thiệu về ý nghĩa của khóa tập huấn. Bà Trần Minh Nguyệt, cán bộ của UN Women chia sẻ về mục đích và mong muốn của khóa tập huấn lần này sẽ thành công để UN Women tiếp tục phối hợp với Học viện triển khai các bước tiếp theo. Thành phần tham dự chính của khóa tập huấn bao gồm: Giảng viên, nghiên cứu viên Học viện Phụ nữ Việt Nam; Học viện Chính sách và Phát triển; Đại học Công đoàn; Đại học Nội vụ, Trung tâm Phụ nữ trong Chính trị và Hành chính công (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương Binh & Xã hội là giảng viên chính của chương trình.

Khóa tập huấn lần này nhằm củng cố kiến thức về Giới, Kinh tế trong An sinh xã hội; Hướng dẫn lồng ghép kiến thức, kỹ năng sư phạm được tập huấn vào chương trình, nội dung giảng dạy tại các cơ sở đào tạo; Tạo cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy về Giới và ASXH trong chương trình giảng dạy hiện có tại các cơ sở đào tạo.

Về chương trình tập huấn, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương đã cung cấp một số nội dung cơ bản: về hệ thống ASXH của Việt Nam – hiện trạng và thách thức; Các nhóm đặc thù trong hệ thống ASXH tại Việt Nam như phụ nữ và trẻ em gái, người khuyết tật, người già, người nghèo, nhóm lao động khu vực phi chính thức…Tổng quan kinh nghiệm ASXH xã hội thế giới và những bài học của Việt Nam trong quá trình triển khai các chính sách này; Lồng ghép Giới và Kinh tế trong ASXH cũng được bàn đến đồng thời là những phân tích nhận định về hệ thống ASXH của Việt Nam trong tương lai với định hướng cải cách bảo hiểm xã hội. Với nhiều năm làm nghiên cứu, giảng dạy, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của người làm công tác quản lý có liên quan nhiều đến khía cạnh này, PGS. TS Lan Hương đã cơ bản trang bị cho người học một nền tảng kiến thức cơ bản, sâu sắc và thiết thực.

Nội dung lồng ghép giới trong ASXH và thảo luận về phương pháp giảng dạy môn ASXH là một trong những mục tiêu quan trọng mà khóa tập huấn hướng tới. Thông qua chia nhóm thảo luận, trao đổi trực tiếp những vấn đề đặt ra, người học đã vừa chia sẻ, vừa giải đáp vừa thu nhận thêm những kiến thức, cách thức và phương pháp để góp phần giảng dạy hiệu quả hơn về môn học này. Khóa tập huấn là cơ hội để các giảng viên, nghiên cứu viên trang bị, củng cố và cập nhật thêm những kiến thức về ASXH hướng tới xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn có chất lượng cao cho ngành học.