Cơ chế thị trư­ờng đã tạo điều kiện để phụ nữ phát huy mạnh mẽ tài năng, sức sáng tạo, nâng cao vị thế của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng đồng thời, cơ chế thị trư­ờng và ảnh h­ưởng của quá trình toàn cầu hoá cũng đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với phụ nữ: thiếu việc làm, thiếu cơ hội để học tập, nâng cao trình độ và tham gia vào các hoạt động xã hội, bất bình đẳng giới, là nạn nhân của các tệ nạn xã hội và bạo lực; là đối tượng đầu tiên gánh chịu bất hạnh do những đổ vỡ gia đình. Làm thế nào giúp phụ nữ vư­ơn lên trong cuộc sống, vượt qua những tác động tiêu cực để họ không những thực hiên tốt chức năng kinh tế mà còn thực hiện tốt chức năng tình cảm, giáo giục con cái giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình xảy ra ở Việt Nam nổi lên như một vấn đề xã hội bức xúc. Nghiên cứu  năm 2010 của tác giả Bùi Thị Xuân Mai trên 188 phụ nữ tại nông thôn cho thấy có tới gần 50% phụ nữ được hỏi họ đã từng trải nghiệm bị bạo lực tinh thần: mắng, nhiếc, xỉ vả…

Nạn nhân của bạo lực gia đình thường là phụ nữ và trẻ em. Bạo lực gia đình dẫn đến nhiều hậu quả: về thể xác, tinh thần, kinh tế. Tổn thương về thể xác của nạn nhân: gãy xương, tàn phế, bầm dập, rách da, suy giảm chức năng vận động… thậm chí nạn nhân có thể bị tử vong. Về tâm lý và hành vi của nạn nhân: hoảng loạn, lo âu, buồn chán, trầm cảm, tâm thần, lạm dụng các chất kích thích, lệch lạc về hành vi. Về kinh tế: tốn kém tiền của do chi phí đề khám và điều trị bệnh tật, phải nghỉ việc nên không có nguồn thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội, nhà nước cần phải chi phí nhiều cho công tác tuyên truyền đẩy mạnh bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình.Về mặt xã hội: làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến cộng đồng, trật tự trị an. Để giải quyết những vấn đề cho những nạn nhân bị bạo lực gia đình có rất nhiều các các hoạt động trợ giúp cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình trong đó có hoạt động tham vấn. Tại Mỹ, Canada, Singapore, Philippin…Khi phụ nữ bị bạo lực gia đình sẽ nhận được sự hỗ trợ của nhà tham vấn, nhân viên công tác xã hội. Khi phụ nữ bị bạo lực gia đình  đến hoặc được giới thiệu đến trung tâm tham vấ, trung tâm công tác xã hội hoặc nơi làm việc của nhà tham vấn, nhân viên công tác xã hội tiếp nhận, đánh giá, xác định vấn đề, xây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề. Nhà tham vấn, nhân viên xã hội sẽ là người đồng hành cùng với phụ nữ bị bạo lực gia đình trong suốt quá trình trợ giúp. Dựa trên những kiến thức và hiểu biết tâm lý, tâm lý xã hội nhà tham vấn, nhân viên công tác xã hội tìm cách hỗ trợ về tâm lý xã hội và trị liệu với từng cá nhân. Thông thường hình thức tham vấn và trị liệu đối với các nạn nhân là tham vấn trực tiếp trong các trung tâm, phòng tham vấn với phụ nữ bị bạo lực gia đình. Những nhân viên xã hội, nhà tham vấn là những người trực tiếp tham vấn cho họ cần sử dụng các lý thuyết của tâm lý học, xã hội học, sau đây xin giới thiệu một số lý thuyết mà nhân viên xã hội và nhà tham vấn sử dụng nhiều khi tham vấn cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình  như: lý thuyết nhu cầu của A.Maslow, lý thuyết lấy thân chủ làm trọng tâm Carl Rogers, lý thuyết nhận thức của Albert Ellic.

Một là lý thuyết nhu cầu của A.Maslow

Nhu cầu là một hiện tượng tâm lý của con người, là đòi hỏi, mong muốn, nguyện vọng, của con người về vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển. Tùy theo mức độ nhận thức, môi trường sống, những đặc điểm tâm lý nên mỗi người có những nhu cầu khác nhau.

A. Maslow đưa ra hệ thống nhu cầu của con người và được xếp theo thứ tự bậc thang từ thấp lên cao theo hình tháp. Vì vậy, lý thuyết về nhu cầu của A. Maslow còn được gọi tắt là “bậc thang nhu cầu” hay “tháp nhu cầu”, các nhu cầu ở bậc thấp đó là những nhu cầu cho sự tồn tại được xếp ở phía dưới, trong khi đó nhu cầu cho sự phát triển, hoàn thiện cá nhân được coi là nhu cầu quan trọng hơn, giá trị hơn, chúng được xếp ở bậc trên cao nhất của kim tự tháp. Theo A. Maslow, mỗi nhu cầu của con người đều phụ thuộc vào những nhu cầu trước đó. Nếu một nhu cầu nào đó của con người không được đáp ứng cá nhân sẽ gặp phải những khó khăn việc thực hiện các nhu cầu cao hơn.

Bậc thang nhu cầu hay tháp nhu cầu của A. Maslow có thể được mô hình hoá như sau:

Theo A.Maslow con người cần phải được thoả mãn các nhu cầu cấp thấp rồi mới nảy sinh những nhu cầu ở những cấp cao hơn. Nếu những nhu cầu này không được đáp ứng sẽ dẫn đến những khó khăn về mặt tâm lý chẳng hạn như con người có được đáp ứng nhu cầu cở bản mới có thể tồn tại, khi đã được tồn tại mới có thể đáp ứng được các nhu cầu khác cao hơn như nhu cầu tinh thần. Với những phụ nữ bị bạo lực gia đình  thì nhu cầu thuộc về thể chất của họ không được đáp ứng như việc họ bị bỏ đói, bị đuổi ra khỏi nhà…khi đến với nhà tham vấn họ đều rơi vào tình trạng nhu cầu về thể chất – điều kiện đầu tiên để tồn tại không được đáp ứng và theo lý thuyết nhu cầu nếu nhu cầu cần thiết nhất không được đáp ứng sẽ ảnh hưởng đến việc đáp ứng các nhu cầu tiếp theo. Nhu cầu được an toàn với nhu cầu này rõ ràng chúng ta thấy rằng hầu hết họ bị đánh đập thậm chí bị giết và trên thực tế có nhiều phụ nữ đã bị tử vong do chồng bạo lực, tiếp đến nhu cầu được yêu thương với những phụ nữ bị bạo lực gia đình  chúng ta thẩy rõ rằng nếu phụ nữ được yêu thương thì họ đã không bị đánh đập, bị chửi mắng, xúc phạm, nếu nhu cầu được yêu thương của họ không có hay không được đáp ứng chắc chắn họ không thể nào được tôn trọng và được hoàn thiện. Giữa các nhu cầu này có mối quan hệ mật thiết và gắn bó với nhau.

Trong quá trình tham vấn cho phụ nữ bị bạo lực gia đình việc ứng dụng lý thuyết nhu cầu là rất cần thiết sẽ giúp cho nhà tham vấn, nhân viên xã hội xác định được nhu cầu hiện tại của của họ trên cơ sở đó xác định được những khó khăn mà họ gặp phải đồng thời trên cơ sở đó để lập kế hoạch can thiệp và hỗ trợ phù hợp và mang lại hiệu quả tốt nhất cho thân chủ.

 Mỗi con người cần được đáp ứng những nhu cầu để tồn tại và phát triển. Đa số những phụ nữ bị bạo lực gia đình  họ không được đáp ứng các nhu cầu khiến cho họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì lẽ đó nhà tham vấn cần sử dụng lý thuyết nhu cầu vào quá trình can thiệp để đáp ứng các nhu cầu cho thân chủ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn khi tham vấn cho họ.

Hai là lý thuyết lấy thân chủ làm trọng tâm Carl Rogers

          Bên cạnh lý thuyết nhu cầu của A.Maslow  nhà tham vấn ngoài việc tìm hiểu và đáp ứng các nhu cầu của thân chủ không chưa đủ mà nhà tham vấn cần phải vận dụng lý thuyết lây thân chủ làm trọng tâm, bởi lý thuyết lấy thân chủ làm trọng tâm là một trong những nền tảng lý luận rất lớn cho sự xây dựng và phát triển mối quan hệ tin tưởng giữa nhà tham vấn và thân chủ. Bởi nếu không tạo lập và phát triển được mối quan hệ tốt của thân chủ chúng ta không thể nào trợ giúp được cho thân chủ.

 Theo Carl Rogers mỗi các nhân đều có những tiềm năng riêng để họ có thể phát triển một cách tích cực. Nếu như một các nhân nào đó gặp phải khó khăn về tâm lý, có những hành vi không phù hợp là do họ sống trong môi trường không lành mạnh, không có điều kiện để họ phát huy tiềm năng của họ. Lý thuyết này cho rằng các khó khăn của các cá nhân do họ tập nhiễm những cách ứng xử không phù hợp, họ cần được giúp đỡ để phát triển tiềm năng tâm lý một cách hiệu quả. Nhiệm vụ của nhà tham vấn trong quá trình trợ giúp cho thân chủ đặc biệt là với những phụ nữ bị bạo lực gia đình  là giúp họ tháo gỡ bỏ các rào cản trong môi trường xã hội, giúp họ hiểu được chính mình, chấp nhận hoàn cảnh và tự điều chỉnh bản thân để đạt được trạng thái cân bằng. Khi tham vấn cho phụ nữ bị bạo lực gia đình  với một số trường hợp nhà tham vấn giúp thân chủ hiểu được chính hoàn cảnh của mình và đôi khi họ chấp nhận thực tế, chấp nhận cuộc sống hiện tại hay “sống chung với lũ” như vậy thân chủ sẽ cảm thấy bớt căng thẳng và họ sẽ thoải mái hơn.

Nhiệm vụ của nhà tham vấn là giúp cá nhân nhận biết được tiềm năng của chính họ, đồng thời giúp cho họ có được một môi trường thuận lợi cho sự thực hiện hoá những tiềm năng đó thông qua việc cải thiện môi trường xã hội của họ.

Lý thuyết này nhấn mạnh giá trị nhân văn của con người đó là tình yêu, tự trọng, tính sáng tạo và quyền tự do, tự quyết cuả con người. Khi ở trong tình huống khó khăn con người thường bị mặc cảm, tự ti và trở nên lệ thuộc. Nhiệm vụ của nhà tham vấn là giúp đối tượng nhìn nhận và chấp nhận phần thực tiễn của mình, khám phá ra những kinh nghiệm vốn có, những điểm mạnh của cá nhân cũng như nguồn lực có thể. Điều này sẽ giúp họ trở nên mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn trong giải quyết vấn đề. Với những phụ nữ bị bạo lực gia đình  họ cũng có lòng tự trọng, tình yêu thương, tính sáng tạo, quyền tự quyết của họ vì thế nên khi tham vấn cho họ nhà tham vấn nên giúp họ tự khám phá ra những điểm mạnh, những khả năng và tính sáng tạo của họ vào việc giải quyết vấn đề bạo lực gia đình của mình. Trên thực tế nhiều trường hợp phụ nữ bị bạo lực gia đình thông qua mối quan hệ tương tác với nhà tham vấn họ đã tự nhìn nhận được vấn đề khó khăn của mình, khám phá ra tiềm năng, nguồn lực từ chính bản thân họ và tự tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề của mình.

Như vậy trong quá trình tham vấn cho phụ nữ bị bạo lực gia đình nhà tham vấn cần bắt đầu mọi vấn đề của thân chủ từ chính thân chủ, nhà tham vấn cần giúp thân chủ tháo bỏ rào cản từ môi trường xã hội. Với những thân chủ là nạn nhân bị bạo lực gia đình môi trường xã hội chính là gia đình. Thân chủ bị chồng bạo lực nên thân chủ bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ gia đình và những người thân trong gia đình. Thân chủ đang sống trong môi trường thiếu an toàn và bị đe dọa. Thân chủ đang có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, thân chủ không được tôn trọng vì vậy nhà tham vấn cần phải chấp nhận thân chủ như một con người riêng biệt, có giá trị riêng và bằng một sự cảm thông sâu sắc và nhà tham vấn trở thành người bạn đồng hành cùng thân chủ trong suốt quá trình tìm kiếm và khám phả các giải pháp để giải quyết vấn đề của chính mình. Nhiệm vụ của nhà tham vấn đồng thời phải tạo ra môi trường thuận lợi để giúp thân chủ gỡ bỏ những rào cản tâm lý. Đặc biệt là khi tham vấn cho thân chủ là những phụ nữ bị bạo lực gia đình nhà tham vấn không được phán xét, thấu hiểu hơn về hoàn cảnh của thân chủ, chấp nhận thân chủ trên cơ sở giúp nhà tham vấn có cách giao tiếp phù hợp hơn với họ, đồng thời cho thân chủ thấy rõ được vai trò trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vấn đề của mình.

Ba là lý thuyết nhận thức của Albert Ellic

Đa số các nạn nhân bị bạo lực gia đình  họ đều có những nhận thức tiêu cực về bản thân hoặc người khác, nhiều phụ nữ họ chưa nhận thức đúng về bản thân nên có những suy nghĩ tiêu cực, rồi có những hành động tiêu cực, chính vì vậy việc ứng dụng lý thuyết nhận thức khi tham vấn cho phụ nữ bị bạo lực gia đình  là vô cùng cần thiết.

Tiếp cận thân chủ theo phương pháp nhận thức quan niệm rằng con người không phải là sinh vật thụ động bị kiểm soát chặt chẽ của môi trường. Các cách thức con người hành động đều xuất phát từ sự hiểu biết và nhận thức của họ. Nếu sự nhận thức dựa trên các quan điểm hay niềm tin phi lý nó thường gây ra các hỗn loạn cảm xúc và cách ứng xử không thích ứng. Có thể diễn giải quan điểm tiếp cận nhận thức hành vi như sau: suy nghĩ, cảm xúc và hành vi liên quan mật thiết với nhau. Suy nghĩ, nhận thức quyết định sự biểu hiện của cảm xúc và hành vi. Những rối loạn cảm xúc có thể xuất hiện do những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực. Nếu thay đổi suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực sẽ giúp cá nhân cải thiện được những rối loạn cảm xúc của mình.Với những phụ nữ bị bạo lực gia đình cũng vậy khi họ bị bạo lực trong thời gian dài họ thường hay có những có cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, nhiều phụ nữ đã có ý định tự tử và trên thực tế có rất nhiều phụ nữ do bị bạo lực lâu ngày nên họ đã tự tử.

Albert Ellic đưa ra một số niềm tin không hợp lý mà con người tin rằng sự phụ thuộc vào người khác để có thể là chỗ dựa cho họ. Với những phụ nữ bị bạo lực gia đình họ không muốn thoát khỏi người gây ra bạo lực cho họ bởi muốn được ở bên họ để họ được che chở bới người có sức mạnh:

Nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình đôi khi họ cho rằng việc họ bị bạo lực gia đình nguyên nhân là do số phận, từ suy nghĩ đó nên họ cam chịu và chấp nhận để cho người chồng đánh đập, điều này cho thấy tại sao có nhiều phụ nữ bị chồng đánh đập dã man trong một thời gian khá dài song họ im lặng, chấp nhận và không lên tiếng. Do vậy mà nhà tham vấn cần giúp những phụ nữ bị bạo lực gia đình này xác định được những niềm tin không hợp lý ở họ, hỗ trợ họ phải đối mặt với nó, giúp thân chủ kiểm tra lại những lời của chính họ về bản thân.

Với những phụ nữ bị bạo lực gia đìnhchúng ta cũng nhận thấy rất rõ ràng những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ có liên quan mật thiết với nhau. Nhiều phụ nữ có suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, lệch lạc xuất hiện sau khi bị bạo lực bởi người chồng họ đã tìm đến việc tự tử để kết liễu cuộc đời mình vì cho rằng nếu sống mà như vậy thà chết còn hơn, một số khác nghĩ đến chuyện bỏ trốn hay ly hôn…Vì thế cho nên trong quá trình tham vấn cho những người phụ nữ bị bạo lực nhà tham vấn cần phải sử dụng lý thuyết tiếp cận nhận thức để trợ giúp, giúp đỡ cho những người phụ nữ bị bạo lực gia đìnhtháo gỡ bỏ những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi tiêu cực. Để làm được điều này nhà tham vấn cần phân tích cho họ những tình huống mà họ sẽ phải đối đầu, chỉ ra những điểu bất hợp lý trong nhận thức để đi đến thay đổi chúng, giúp họ thích nghi với hoàn cảnh và điều kiện của mình hay đôi khi giúp cho họ chấp nhận thực tại để sống.

Như vậy trong quá trình tham vấn, nếu nhà tham vấn không sử dụng kiến thức dựa trên hệ thống lý thuyết và cách tiếp cận đã được nghiên cứu, kiểm nghiệm để làm việc với thân chủ thì các phán đoán, suy luận của họ sẽ phân nhiều dựa trên kinh nghiệm, mang tính chủ quan. Nguy hiểm hơn nếu nhà tham vấn mang định kiến cá nhân, giá trị, niềm tin chưa được chứng minh qua thực tế áp dụng để xác định nhu cầu, mong muốn của thân chủ sẽ lái thân chủ đi theo ý của mình. Việc xác lập và nắm vững hệ thống lý thuyết nền tảng và các cách tiếp cận sẽ dẫn dắt việc thực hành tác nghiệp cho các nhà tham vấn. Vì vậy các nhà tham vấn cần nắm được một số lý thuyết, cách tiếp cận nêu trên.