1. Quá trình hình thành và phát triển

Khoa Công tác xã hội được thành lập năm 2012 trên cơ sở nâng cấp khoa Phụ vận và khoa Công tác phụ nữ. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, từ năm 2007, Khoa bắt đầu đào tạo nghề Công tác xã hội. Song song với việc tổ chức các khóa  đào tạo, Khoa đã và đang tham gia nhiều chương trình, dự án về Công tác xã hội; tham gia tổ chức các khoá bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác phụ nữ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ nữ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Đảng nhân dân Campuchia; tham gia thực hiện đề án 1891 về đào tạo trung cấp ngành Công tác xã hội cho cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cán bộ nguồn của Hội và các ban ngành, đoàn thể; đào tạo các khóa sơ cấp nghề Công tác xã hội cho các địa phương trên địa bàn cả nước; thực hiện đề tài nghiên cứu cấp bộ, ngành và cơ sở về các đối tượng yếu thế trong cộng đồng, đặc biệt là các nhóm phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tham gia chương trình dự án của các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ như: OXFAM, UNICEF, UNWOMEN, CFSI… Năm 2013, Khoa đã tham gia mạng lưới đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội cùng với hơn 40 trường đại học và cao đẳng trên cả nước.

2. Chức năng, nhiệm vụ

– Xây dựng, hoàn thiện các chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra cho ngành, chuyên ngành thuộc khoa quản lý;

– Tổ chức và quản lý quá trình giảng dạy các chương trình đào tạo được giao cho khoa, kiểm tra, giám sát công tác giảng dạy của các bộ môn trực thuộc;

– Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ cho giảng viên và sinh viên của khoa;

– Tổ chức xây dựng, thẩm định/đánh giá các đề cương chi tiết môn học tài liệu, giáo trình do khoa, bộ môn trực thuộc biên soạn;

– Quản lý nhân sự của khoa, lên kế hoạch đề nghị tuyển dụng nhân sự cho khoa hàng năm; tổ chức đánh giá viên chức, thực hiện công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật trong phạm vi phân cấp của khoa; thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ viên chức;

– Xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, mạng lưới các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học; giới thiệu và tham gia đào tạo giảng viên, chuyên gia đầu ngành;

– Thực hiện quy trình, nội dung đảm bảo chất lượng đào tạo;

– Phối hợp với các đơn vị tỏ chức đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên, học viên;

– Quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản được giao.

3. Cơ cấu tổ chức và đội ngũ giảng viên

* Giảng viên: Khoa hiện có tổng số 40 giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng và cộng tác viên gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ. Đội ngũ giảng viên của Khoa được đào tạo cơ bản tại các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước, có năng lực chuyên môn, phương pháp và kinh nghiệm giảng dạy tốt, phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn dày dặn, hiện đang công tác tại các trường đại học, học viện như: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Học viện Hành chính quốc gia, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Lao động – Xã hội, Đại học Thăng Long, Đại học Công đoàn, Học viện Khoa học xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và nhiều cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, trung tâm thực hành, tổ chức phi chính phủ…

BAN LÃNH KHOA CÔNG TÁC XÃ HỘI

TS. Bùi Thị Mai Đông

TRƯỞNG KHOA

TS. Đoàn Thị Thanh Huyền

PHÓ TRƯỞNG KHOA

4. Hội thảo khoa học, hội nghị, tập huấn:

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Giám Học viện, Khoa Công tác xã hội tích cực trong các hoạt động tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị, tập huấn về Công tác xã hội. Trong những năm gần đây, khoa làm đầu mối tổ chức một số hội thảo, tập huấn của Học viện như:

– Hội thảo khoa học quốc tế: “Công tác xã hội với phụ nữ và trẻ em: kinh nghiệm của một số quốc gia” (2016);

– Tập huấn “Kỹ năng Kiểm huấn/giám sát trong CTXH” cho giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam và kiểm huấn viên cơ sở (2016);

– Tập huấn “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên” (Phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội) (2016).

Hội thảo khoa học: “Nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em” (Phối hợp với Hiệp hội Nghề và Đào tạo nghề Công tác xã hội Việt Nam) (2015).

5. Các sản phẩm khoa học:

Từ khi được thành lập (2012), Khoa Công tác xã hội đã tích cực biên soạn giáo trình, tài liệu và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, công bố các bài viết khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, cụ thể:

* Các giáo trình đã xuất bản:

– Công tác xã hội với người cao tuổi (chủ biên, 2017);

– Công tác xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình (chủ biên, 2017).

– Giới và An sinh xã hội (tham gia biên soạn, 2016);

– Gia đình học (tham gia biên soạn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016);

* Các tài liệu đã được biên soạn:

– Nhập môn Công tác phụ nữ (tham gia biên soạn) (2016);

– Lồng ghép giới vào an sinh xã hội (tham gia biên soạn – Dự án của UN Women, 2016);

– Đạo đức Công tác xã hội (2015);

– Công tác xã hội với nạn nhân bị mua bán (2014);

– Công tác xã hội với phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt (2013);

– Công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (2013);

– Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời kỳ mới (tham gia biên soạn thuộc – Dự án do UNICEF tài trợ) (2012).

 * Các đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên:

– Thực hành công tác xã hội trong đào tạo ở bậc đại học tại Học viện Phụ nữ Việt Nam (2017)

– Nhu cầu tham gia hoạt động xã hội của người cao tuổi (2017)

– Tâm trạng của phụ nữ đơn thân trong giai đoạn hiện nay (2014);

– Hiệu quả hoạt động của các mô hình can thiệp, hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực gia đình tại cơ sở của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” (2013);

– Cơ sở lý luận và thực tiễn của công tác phụ nữ (2009);

* Các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên:

– Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong việc giáo dục giới tính cho trẻ em mồ côi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La (2017);

– Thực trạng giáo dục giới tính cho trẻ em trong các gia đình ở Phường Láng Thượng (2017);

– Sự phân biệt đối xử với người đồng tính trong tiếp cận dịch vụ y tế tại thành phố Hà Nội (2016);

– Thái độ học tập của sinh viên ngành Công tác xã hội tại Học viện Phụ nữ Việt Nam (2016).

Ngoài ra, đội ngũ giảng viên của Khoa Công tác xã hội còn công bố nhiều bài viết khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, các kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế.

6. Hoạt động hợp tác quốc tế:

Hợp tác quốc tế là một hoạt động quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển chuyên môn. Nhằm mở rộng và nâng cao kiến thức, tiếp nhận, chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trong những năm vừa qua, khoa Công tác xã hội đã tích cực mời các chuyên gia đầu ngành, các giảng viên, các nhà nghiên cứu từ nhiều nước trên thế giới đến tham gia các hội thảo khoa học tại học viện; thuyết trình, tập huấn cho giảng viên và sinh viên ngành Công tác xã hội; chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu và thực hành nghề đối với giảng viên Công tác xã hội. Bên cạnh đó, các giảng viên của Khoa cũng tích cực tham gia vào các hoạt động như: hội thảo, tọa đàm, tập huấn, trao đổi, chia sẻ về chuyên môn với các chuyên gia quốc tế do Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng như các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm… bên ngoài tổ chức.

7. Mạng lưới thực hành:

Khoa Công tác xã hội đã thiết lập được quan hệ với nhiều cơ sở thực hành  trên địa bàn thành phố Hà Nội và tại các tỉnh. Đây là những cơ sở để sinh viên ngành Công tác xã hội của Học viện kiến tập, thực hành, thực tập nhằm nâng cao mức độ tham gia và can thiệp vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Tại các cơ sở thực hành, sinh viên có cơ hội tiếp xúc thực tế xã hội với các tình huống đa dạng. Đây cũng chính là giai đoạn thực tập vai trò nhà công tác xã hội – những người hoạch định chính sách, nhà quản lý các dịch vụ hay các nhà nghiên cứu trong tương lai. Mạng lưới cơ sở thực hành công tác xã hội bao gồm các trung tâm, các cơ sở như: Trung tâm Bảo trợ xã hội 1, Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, Trung tâm Bảo trợ xã hội 4, Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục – Lao động xã hội số 2, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi và trẻ em Thụy An, Làng trẻ em SOS, Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định, Trung tâm CTXH tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh, Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình, Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái, Trung tâm CTXH tỉnh Hòa Bình, Trung tâm CTXH tỉnh Vĩnh Phúc…

8Cơ hội nghề nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội trình độ đại học có thể đảm nhận các vị trí công việc sau đây:

–  Là cán bộ, chuyên viên trong các cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ  Việt Nam các cấp từ trung ương đến địa phương.

– Là cán bộ, chuyên viên làm việc độc lập tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể.

– Là cán bộ hoạch định chính sách xã hội, chuyên viên, nghiên cứu viên trong các cơ quan của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp từ Trung ương đến địa phương.

–  Là giảng viên, nghiên cứu viên về Công tác xã hội trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp…

– Là nghiên cứu viên về Công tác xã hội trong các viện nghiên cứu, học viện, trung tâm…

– Là nhân viên công tác xã hội, kiểm huấn viên trong các trung tâm, cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cho các đối tượng xã hội khác nhau thuộc các lĩnh vực: y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội…

– Là nghiên cứu viên, chuyên viên, kiểm huấn viên… trong các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài.

9. Sinh viên, học viên

Số lượng sinh viên hệ đại học chính quy tập trung của khoa Công tác xã hội hiện là 577 người. Phần lớn sinh viên của khoa năng động, sáng tạo, tự tin và ham học hỏi. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em đã chủ động tích luỹ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp từ thầy cô giáo, chuyên gia, các nhà nghiên cứu và bạn bè. Do đó, sinh viên của khoa đã đạt được khá nhiều thành tích trong học tập: năm học 2014 – 2015: khoa có 26,4% sinh viên đạt học bổng khá, giỏi, học bổng Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước và khuyến khích học tập; năm học 2015-2016 tỉ lệ là 20,3%.

Ngoài những thành tích học học tập trên, sinh viên khoa Công tác xã hội còn là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động phòng trào của nhà trường. Các em luôn tự tin vào năng lực bản thân, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Ngoài số lượng sinh viên đào tạo hệ chính quy tập trung, khoa còn có sinh viên, học viên hệ đào tạo liên thông cao đẳng – đại học là 100 người, hệ trung cấp gần 500 học viên được đào tạo tại các tỉnh trên phạm vi toàn quốc.

Khoa Công tác xã hội là một đơn vị có khá nhiều thành tích trong hoạt động: là lao động xuất sắc liên tục nhiều năm; một số giảng viên của khoa đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp bộ, ngành và được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; một số giảng viên của khoa đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị.

10. Thông tin liên hệ

Khoa Công tác xã hội, Phòng 405, Tòa nhà 15 tầng, Học viện Phụ nữ Việt Nam, số 68 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam.

Điện thoại: (04) 3.7759042; Hotline: 0983008609 (TS. Đoàn Thị Thanh Huyền)

Fanpage: Khoa Công tác xã hội – Học viện Phụ nữ Việt Nam

TS. Đoàn Huyền – Phó khoa Công tác Xã hội