Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, các trường đại học đào tạo công tác xã hội và một cán bộ xã hội ở các  tỉnh, thành trong cả nước. Học viện Phụ nữ Việt Nam đã cử các giảng viên Khoa Công tác xã hội tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Chiến Khu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội cho rằng, khuyết tật là một thách thức lớn về mặt xã hội và kinh tế ở Việt Nam. Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm 8% dân số, trong đó có 400 nghìn người khuyết tật nặng. Mặc dù, trong những năm gần đây Nhà nước ta đã có rất nhiều những chính sách hỗ trợ người khuyết tật nhưng vẫn còn những vấn đề mà người khuyết tật đang gặp phải đó là sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Điều đó đã dẫn đến khả năng hòa nhập và phát triển của người khuyết tật đang bị hạn chế bởi chính những định kiến xã hội mà họ gặp phải.

Theo như báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu và Phát triển xã hội và Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội tại 8 tỉnh thành trong cả nước thì trong số những người được hỏi có tới 42% đối tượng NKT tự đánh giá tình trạng sức khoẻ của mình kém hơn rất nhiều so với người không khuyết tật; khoảng 20% NKT và 95% NKT nặng trong độ tuổi lao động hiện không đi làm. Tỷ lệ NKT có thu nhập bao gồm lương, trợ cấp và phúc lợi ngoài lương thấp hơn nhiều so với người không khuyết tật. Khoảng một nửa NKT có mức lương tháng trung bình từ 1,25 triệu đồng trở xuống.

Vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật vẫn đang diễn ra hàng ngày và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, lao động, học tập của người khuyết tật. Theo như nghiên cứu thì hiện số NKT bị kỳ thị cao nhất là dạng khuyết tật giao tiếp (chiếm 95,5%), khuyết tật ghi nhớ (chiếm 81%) và khuyết tật trong tự chăm sóc bản thân (80%).

Theo báo cáo về những chi phí của khuyết tật và kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật thì việc kỳ thị càng làm nghiêm trọng sự khuyết tật và dẫn đến chi phí có liên quan đến khuyết tật càng cao hơn. Theo điều tra số hộ gia đình có NKT hàng năm phải chi khoảng 8,8% đến 9,5% tổng thu nhập của gia đình. Nguyên nhân có thể được giải thích là do sự kỳ có xu hướng làm tách biệt những người khuyết tật khỏi cơ hội việc làm và tạo thu nhập, sự tác động qua lại giữa khuyết tật, kỳ thị và nghèo đói đang ngày càng rõ nét.

Giải pháp được đưa ra để giảm thiểu những khó khăn cho người khuyết tật cần có một hệ thống các tác động từ vĩ mô đến vi mô. Đầu tiên phải kể đến những tác động vào hệ thống luật pháp, chính sách cho người khuyết tật cần có những thay đổi theo hướng sát với nhu cầu của người khuyết tật hơn. Đặc biệt, phải kể đến sự tác động của truyền thông nhằm thay đổi tư duy, nhận thức và hành vi của mọi người trong xã hội. Rất cần những cái nhìn mới và tích cực cho những người khuyết tật.

Hội thảo cũng đưa ra vai trò của giáo dục trong việc thay đổi nhận thức, hành vi của người khuyết tật và người không khuyết tật về khả năng, vị trí và vai trò mà người khuyết tật có thể đảm nhiệm. Các trường đào tạo công tác xã hội cần đưa vào giảng dạy chuyên sâu về mảng công tác xã hội với người khuyết tật để có thể trang bị kiến thức, kỹ năng và thay đổi thái độ của những nhân viên xã hội về cách tiếp cận với người khuyết tật. Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng đã có những khóa tập huấn lồng ghép chuyên đề “Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với 4 nhóm yếu thế tại cộng đồng” trong đó có nhóm người khuyết tật và gần đây Học viên cũng đã đưa học phần Công tác xã hội với người khuyết tật vào khung chương trình đào tạo cử nhân ngành công tác xã hội.