Tham dự Hội thảo có Bà Nguyễn Thị Hằng – Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội nghề và Giáo dục nghề Công tác xã hội Việt Nam; ông Nguyễn Hải Hữu – Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề và Giáo dục nghề Công tác xã hội Việt Nam; ông Bùi Tiến Dũng – Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tham dự Hội thảo còn có giảng viên, sinh viên khoa Công tác xã hội Trường Đại học Lao động – Xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam và đại biểu đại diện một số trường đại học đào tạo Công tác xã hội tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu của Hội thảo là đánh giá lại chặng đường 10 năm hoạt động đào tạo nguồn nhân lực Công tác xã hội kể từ khi có Đề án 32 về Phát triển nghề Công tác xã hội Việt Nam giai đoạn 2010-2020 của các trường, chỉ ra những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế để tìm ra các giải pháp khắc phục, định hướng phát triển nguồn nhân lực Công tác xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng đã khái quát bối cảnh nghề Công tác xã hội ở Việt Nam hiện nay và đánh giá cao sự nỗ lực của các trường đại học, các học viện trong việc đào tạo nguồn nhân lực Công tác xã hội.

Hội thảo cũng được nghe bài tham luận của ông Nguyễn Hải Hữu: “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Công tác xã hội – Thực trạng và giải pháp”. Bài tham luận không chỉ giúp các đại biểu nhìn lại quá trình hình thành và phát triển nghề Công tác xã hội trên thế giới và ở Việt Nam mà còn chỉ ra nhu cầu và khả năng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực Công tác xã hội cho đất nước của các cơ sở đào tạo tại Việt Nam. Bài tham luận cũng đã chỉ ra những vấn đề cơ bản trong đào tạo nguồn nhân lực Công tác xã hội như: mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo; năng lực của đội ngũ giảng viên, phương pháp đào tạo; mạng lưới thực hành và  đội ngũ kiểm huấn viên cơ sở; chất lượng đào tạo và khả năng tìm việc làm của sinh viên Công tác xã hội khi ra trường; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ nhân viên phục vụ… Tại Hội thảo, vấn đề đào tạo thực hành Công tác xã hội cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận sôi nổi. Nhiều đại biểu cho rằng, để đào tạo nguồn nhân lực Công tác xã hội có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của xã hội, các cơ sở đào tạo cần rà soát chương trình đào tạo, tăng cường thời lượng thực hành; phát triển các mạng lưới thực hành; nâng cao trình độ năng lực đội ngũ giảng viên và kiểm huấn viên ở cơ sở. Đặc biệt, cần bám sát chuẩn đầu ra và các tiêu chí đánh giá năng lực, phẩm chất đạo đức nghề Công tác xã hội. Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách đối với nghề Công tác xã hội, từ khâu đào tạo, bồi dưỡng đến khâu tuyển dụng, bố trí cán bộ. Các địa phương cần tuyển đúng người đã được đào tạo chuyên sâu về Công tác xã hội vào các vị trí phù hợp.

Đại diện khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam, TS. Bùi Thị Mai Đông đã có bài tham luận: “Tổ chức cho sinh viên đi kiến tập, thực hành, thực tập trong chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội của Học viện phụ nữ Việt Nam”. Bài viết phản ánh thực trạng nội dung, hình thức và qui trình tổ chức cho sinh viên ngành Công tác xã hội đi kiến tập, thực hành, thực tập tốt nghiệp. Chỉ ra những khó khăn, tồn tại trong đào tạo thực hành Công tác xã hội cũng như bài học kinh nghiệm và các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thực hành Công tác xã hội.

Kết thúc buổi hội thảo, thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, ông Nguyễn Hải Hữu đã tóm tắt nội dung các bài tham luận, các ý kiến đóng góp và đánh giá cao sự quan tâm của các đại biểu về tham dự Hội thảo. Hội thảo đã khơi dậy lòng yêu nghề cũng như những ý tưởng sáng tạo của các nhà chuyên môn, quản lý trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Công tác xã hội cho đất nước.

Các đại biểu tham dự hội thảo