Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu chính thức bao gồm đại diện các doanh nghiệp trong đó có nhiều doanh nghiệp xã hội, các trường đại học, các bộ ngành, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài ASEAN. Hội nghị đã hân hạnh chào đón sự tham gia của bà Ibu Sinta Nuriyah Rahman – phu nhân cố tổng thống Indonesia – ngài Abdurrahman Wahid và con gái trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị. Hơn 100 tình nguyện viên là sinh viên và thanh niên đến từ các nước ASEAN đã tích cực phục vụ, chăm lo công tác hậu cần cho Hội nghị.

 Phu nhân cố tổng thống Indonesia (người ngồi) cùng đại biểu đại diện các nước ASEAN chuẩn bị thực hiện nghi lễ truyền thống của nước chủ nhà Malaysia.

Trong lời chào mừng đại biểu các nước ASEAN đến tham gia Hội nghị, bà Chong Sheau Ching – Giám đốc tổ chức eHomemakers[1], đồng thời là Giám đốc Dự án Cân bằng cuộc sống và công việc của ASEAN nhấn mạnh rằng, cân bằng cuộc sống và công việc chính là công cụ trao quyền hữu hiệu, thúc đẩy phát triển bền vững. Bà cũng cho biết, Dự án Cân bằng cuộc sống và công việc của ASEAN bắt đầu vào năm 2015, gắn liền với một số nội dung quan trọng trong Chương trình nghị sự thế giới về phát triển bền vững, tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt là mục tiêu 3: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Cân bằng cuộc sống và công việc không chỉ là vấn đề mang tính hiệu quả, lợi ích và còn là vấn đề thời gian, sự công bằng, hạnh phúc và mức độ thỏa mãn công việc. Để thúc đẩy cân bằng cuộc sống và công việc cần sự hợp tác của nhiều ban ngành, nhiều lĩnh vực, sự nỗ lực của tất cả mọi người trong xã hội.

Hội nghị diễn ra trong 3 ngày với nhiều chủ đề khác nhau. Ngoài các bài phát biểu chính như Kinh nghiệm thúc đẩy cân bằng cuộc sống và công việc ở Malaysia, Cân bằng cuộc sống và công việc ở các nước ASEAN, các phiên của Hội nghị đi sâu thảo luận các vấn đề cụ thể như trao quyền cho phụ nữ, kinh nghiệm thành công và thất bại của phụ nữ trong cân bằng cuộc sống và công việc, điều gì quyết định một nơi làm việc tốt, kinh nghiệm cân bằng công việc và cuộc sống của một số nước trên thế giới. Ngày thứ nhất và ngày thứ 2 của Hội thảo được chia làm 4 phiên chính, tạo điều kiện để các đại biểu có thể đi sâu tìm hiểu, trao đổi các kiến thức, kinh nghiệm đặc thù: Kỹ năng lãnh đạo, Trao quyền cho phụ nữ, Triển vọng nông nghiệp và Khát vọng của lớp trẻ. Ngày thứ 3 của Hội nghị là phiên thảo luận chung, trao đổi các vấn đề liên quan đến môi trường làm việc thân thiện, nơi làm việc tốt, thảo luận về vấn đề chính sách, môi trường chính sách lao động việc làm, kinh nghiệm thực tiễn của một số nước trên thế giới. Hội nghị cũng giành nhiều thời gian cho việc kết nối mạng lưới, thông qua các bữa ăn, các buổi biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu văn hóa các nước ASEAN.

Đoàn Việt Nam có 10 đại biểu tham gia Hội nghị, bao gồm đại diện của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam, đại diện Dự án cân bằng cuộc sống và công việc tại Việt Nam và một số doanh nghiệp xã hội. Tham gia Hội nghị, TS. Dương Kim Anh – Trưởng Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tích cực tham gia, phát biểu trong các phiên thảo luận về Trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là tầm quan trọng của vấn đề cân bằng cuộc sống và công việc từ góc độ giới và trao quyền; thảo luận về kỹ năng, kinh nghiệm thúc đẩy môi trường làm việc thân thiện, văn hóa tổ chức để người lao động hài lòng với công việc, cân bằng được cuộc sống và công việc. TS. Dương Kim Anh cũng được lựa chọn là 1 trong 10 đại diện của ASEAN tham gia Lễ uống nước dứa truyền thống – là lễ nghi đón chào đặc biệt của nước chủ nhà Malaysia thể hiện sự quý trọng và hiếu khách. Hội nghị ASEAN về cân bằng cuộc sống và công việc: Thúc đẩy sự thịnh vượng và nâng cao chất lượng cuộc sống là cơ hội để các đại biểu đến từ Việt Nam làm quen và trao đổi với các học giả, các nhà nữ quyền quan tâm đến vấn đề giới và tâm huyết với việc đóng góp cho bình đẳng giới và phát triển bền vững của quốc gia và khu vực ASEAN.

 Hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu ASEAN

Phát biểu bế mạc Hội nghị, TS Lee Loh Ludher nhấn mạnh rằng, Hội nghị đã xác định tầm nhìn của các nước ASEAN về cân bằng cuộc sống và công việc, phấn đấu trở thành nền kinh tế và lực lượng lao động lớn mạnh, các chính sách thúc đẩy cân bằng cuộc sống và công việc sẽ giúp nâng cao năng suất lao động. Chính sách quốc gia của các nước cần phải hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của các thành phần kinh tế, các nhóm người khác nhau trong xã hội và xã hội dân sự. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, thực hiện các chương trình doanh nghiệp điện tử, thương mại điện tử. Để làm được như vậy, cần giáo dục nâng cao nhận thức về cân bằng cuộc sống, công việc cho tất cả mọi người, để việc cân bằng cuộc sống và công việc có tác động tới mọi người, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài ra, cần lưu ý tới sự đa dạng về văn hóa của khu vực ASEAN, các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ đơn thân.

Hội nghị ASEAN về cân bằng cuộc sống và công việc: Thúc đẩy sự thịnh vượng và nâng cao chất lượng cuộc sống đã thành công tốt đẹp. Đây là cơ hội quý báu để đại biểu đến từ Học viện Phụ nữ Việt Nam đóng góp ý kiến, quan điểm về vấn đề cân bằng cuộc sống và công việc từ góc độ giới; học hỏi, trao đổi, lắng nghe kinh nghiệm của bạn bè đến từ các nước trong khu vực. Sau khi kết thúc Hội nghị, ngày 12/3/2016, TS. Dương Kim Anh – Trưởng Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã trả lời phỏng vấn Dự án cân bằng cuộc sống và công việc tại Việt Nam về ý nghĩa của vấn đề cân bằng cuộc sống, công việc xét từ góc độ giới và trao quyền; về những công việc thường làm để giúp cân bằng cuộc sống và công việc của cá nhân và những người xung quanh; cảm tưởng sau khi tham gia Hội nghị. Hội nghị ASEAN về cân bằng cuộc sống và công việc: Thúc đẩy sự thịnh vượng và nâng cao chất lượng cuộc sống là kinh nghiệm, tư liệu quý báu để đại biểu đến từ Học viện Phụ nữ Việt Nam có thêm kiến thức lý luận, thực tiễn sinh động để liên hệ với các bài giảng liên quan đến vấn đề giới trong lao động, việc làm, trao quyền – đặc biệt  là quyền kinh tế cho phụ nữ và các đối tượng dễ bị tổn thương.

[1] eHomemakers là mạng lưới cộng đồng thúc đẩy phụ nữ làm việc tại nhà, tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin.