Đến ngày 31 tháng 7 năm 2016, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã nhận được gần 100 bài viết của các tác giả trong và ngoài nước với các nội dung xoay quanh chủ đề Hội thảo, có 58 bài đã được Ban biên tập thông qua để in kỷ yếu. Nội dung các bài được chia thành 4 phần:

Phần thứ nhất bao gồm các bài viết về “Luật pháp, chính sách về phụ nữ và trẻ em”. Các vấn đề được đề cập đến rất đa dạng về nội dung với nhiều hướng tiếp cận khác nhau như: Về vấn đề điều chỉnh pháp luật trong lĩnh vực công tác xã hội của Liên bang Nga và Ucraina; Quyền của phụ nữ và trẻ em như quyền con người, quyền được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, quyền tham chính, quyền lao động, quyền với nhóm phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Các tác giả cũng đề cập đến hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em từ trong lịch sử cũng như những đề xuất cho hiện tại và tương lai.

Phần thứ hai bao gồm các bài viết về “Giáo dục đào tạo công tác xã hội với phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới”. Các tác giả trong và ngoài nước đã chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung và phương pháp khác nhau trong giáo dục đào tạo công tác xã hội tương ứng với mỗi nhóm đối tượng. Ngoài ra, việc vận dụng các kiến thức lý luận và thực tiễn trong công tác giáo dục và đào tạo công tác xã hội cũng là một nội dung được quan tâm.

Phần thứ ba bao gồm các bài viết về  “Phát triển mạng lưới dịch vụ công tác xã hội cho phụ nữ và trẻ em”. Đây là phần nhận được nhiều bài viết nhất với nhiều nhóm chủ đề và nhiều nhóm đối tượng khác nhau cũng như các cách tiếp cận cũng khác nhau. Với kinh nghiệm dày dạn trong việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, các tác giả quốc tế đã gửi những bài viết chia sẻ về hoạt động của các mô hình hỗ trợ trẻ em tại cộng đồng, các phương pháp hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình cũng như các nguyên tắc chăm sóc trẻ em. Hầu hết các vấn đề liên quan đến các hoạt động công tác xã hội xoay quanh đời sống tinh thần, vật chất, sức khỏe của phụ nữ và trẻ em đều được các tác giả trong nước quan tâm và đề cập đến một cách đầy đủ, sâu sắc và chặt chẽ với những luận điểm lý luận cũng như thực tiễn.

Phần thứ tư bao gồm các bài viết về “Những vấn đề về phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới”. Nội dung các bài viết phần lớn bàn về phụ nữ, trẻ em gái và bình đẳng giới.

Mỗi bài tham luận đều thể hiện những trăn trở của các nhà khoa học đối với công tác xã hội. Kỷ yếu được hoàn thành trên cơ sở sự quan tâm sâu sát của Lãnh đạo Học viện Phụ nữ Việt Nam, những đóng góp giá trị của Hội đồng Khoa học Hội thảo cùng sự đầu tư nhiệt tình, nghiêm túc của Ban Biên tập Chúng tôi trân trọng giới thiệu tới các nhà khoa học, các thầy cô giáo, các bạn sinh viên, cùng toàn thể quý vị quan tâm tới tham dự và đón đọc, nghiên cứu các nội dung cuốn kỷ yếu này trong thời gian tới.