Đoàn khách tham quan gồm có ông Tony Widmer – Chuyên gia Công tác xã hội Anh; ông John Richards – Chuyên gia tư vấn về Sức khỏe, Giáo dục và Chăm sóc xã hội, Anh; bà Wendy Gill – Nhân viên Công tác xã hội độc lập về các dịch vụ cho trẻ em, Anh. Bà Nguyễn Thị Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục – Lao động xã hội số II và các cán bộ phòng Chăm sóc nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV/AIDS đã tiếp đón đoàn chu đáo.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh đã bày tỏ sự phấn khởi được đón đoàn tới thăm và làm việc tại Trung tâm, giới thiệu về cơ cấu bộ máy tổ chức, hoạt động chuyên môn của Trung tâm.  

Được thành lập từ năm 1992, Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục – Lao động xã hội số II có chức năng tiếp nhận, quản lý, chữa bệnh, dạy nghề và tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng là người nghiện ma túy (cả nam và nữ), phụ nữ hoạt động mại dâm, phụ nữ mại dâm nghiện ma túy; quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho nữ sau cai nghiện. Từ năm 2001, Trung tâm bắt đầu tiếp nhận chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV mồ côi, bị bỏ rơi trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh khác.  

Chia sẻ về việc tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em HIV mồ côi, bị bỏ rơi, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết đây là mô hình hoạt động mới có nhiều thuận lợi song cũng có những khó khăn nhất định. Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 80 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhiễm HIV/AIDS, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Trẻ em tại Trung tâm được nuôi dưỡng, giáo dục bằng tất cả tình yêu thương, sự quan tâm của các cán bộ của Trung tâm, đồng thời cũng nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị, ban ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, Trung tâm mong muốn các em được quan tâm nhiều hơn nữa để bù đắp thiệt thòi mà các em đang phải gánh chịu. Bà Nguyễn Thị Thanh cũng bày tỏ, khó khăn lớn nhất của Trung tâm hiện nay, đó là vấn đề đào tạo nghề và tư vấn nghề nghiệp cho trẻ. Thông qua buổi gặp gỡ, bà hi vọng sẽ được học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm, kết nối các cơ hội hợp tác, hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế về vấn đề chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm phát triển, hoàn thiện hơn nữa mô hình đang triển khai. Cũng tại buổi làm việc, đoàn đã được tham quan khuôn viên học tập, ăn ở và sinh hoạt của trẻ em.

Kết thúc buổi làm việc, đoàn đã cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình và chia sẻ chân thành của Trung tâm về vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em nhiễm HIV/AIDS. Mặc dù đã tham quan nhiều nơi trên khắp thế giới nhưng mô hình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV/AIDS của Trung tâm đã để lại ấn tượng đặc biệt cho đoàn về sự tận tụy và tính nhân văn cao đẹp. Đây là một mô hình cần nhân rộng và phát huy. Đoàn sẽ có bài thuyết trình trước Hội thảo sẽ được tổ chức tại Anh, báo cáo các cơ quan có liên quan và Chính phủ nhằm tìm kiếm phương thức hợp tác và hỗ trợ đối với Trung tâm.

Hi vọng, với sự kết nối của Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục – Lao động xã hội số II sẽ có thêm cơ hội hợp tác, hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước nhằm phát triển hơn nữa mô hình ngôi nhà chung nhân ái dành cho các đối tượng yếu thế, đặc biệt là trẻ em nhiễm HIV/AIDS mồ côi, không nơi nương tựa.