Đợt thực hành Phát triển cộng đồng này được chia làm 3 đoàn, đoàn của chúng tôi gồm 22 học viên, do TS. Bùi Thị Mai Đông – Trưởng khoa Công tác xã hội phụ trách. Đoàn học viên chúng tôi với đa dạng thành phần, bao gồm một số người đang công tác tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, tại các cơ sở dành cho trẻ khuyết tật của tổ chức Phi Chính phủ, số còn lại là cán bộ đoàn thể, công chức cấp xã; phụ trách công tác quần chúng trong quân đội… Với đặc điểm đó, đợt thực hành Phát triển cộng đồng của đoàn được thực hiện tại một thôn có những đặc thù riêng như thôn Bặn là một điều hết sức thú vị.

Theo kế hoạch, chúng tôi có mặt tại Học viện Phụ nữ Việt Nam từ rất sớm, theo đoàn, chúng tôi đến các địa điểm thực hành. Đúng 08h00 sáng, đoàn đã có mặt tại UBND xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội. Mặc dù là ngày nghỉ, nhưng chúng tôi đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo từ các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, các ban ngành đoàn thể và các đồng chí trưởng thôn.

TS. Bùi Thị Mai Đông – Trưởng khoa Công tác xã hội phát biểu tại buổi gặp gỡ

Sau khi đến địa phương, theo kế hoạch, chúng tôi đã có các cuộc họp nhóm để tìm hiểu vấn đề của địa phương để nắm bắt các vấn đề của cộng đồng và tiến hành tổ chức các buổi họp dân.

Thôn Bặn với 33 hộ dân nhưng có đến 70% là người dân tộc Mường, có nếp sinh hoạt khá đặc biệt, nên để tổ chức buổi họp dân, chúng tôi chỉ có thể bắt đầu từ lúc 20h, sau khi các gia đình đã hoàn tất các công việc của buổi tối. Cuộc họp được diễn ra sôi nổi, đầy trách nhiệm, chỉ sau 1 giờ họp, chúng tôi cùng người dân địa phương đã xác định được vấn đề ưu tiên phục vụ cho việc thực hành xây dựng dự án phát triển cộng đồng, đó là “Xây dựng cổng thôn”. Qua tiếp xúc, trò chuyện, chúng tôi cảm nhận rất rõ tình yêu và trách nhiệm của người dân địa phương đối với quê hương, làng xã của mình. Họ yêu tha thiết văn hóa người Mường, yêu cuộc sống yên bình, cùng nhau giữ gìn truyền thống văn hóa và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Chính điều này đã tiếp thêm động lực, lòng say mê, sự nhiệt tình của chúng tôi đối với các dự án phục vụ cho thôn Bặn. Tất cả các công tác chuẩn bị đã được tiến hành nhanh chóng, dự án được triển khai, chỉ sau 04 ngày, mọi công việc đã hoàn tất, buổi bàn giao cổng thôn diễn ra trong niềm vui, phấn khởi của bà con nhân dân ngõ 1, thôn Bặn, xã Vân Hòa, Huyện Ba Vì.

Khoảng thời gian còn lại khá dài, chúng tôi tiếp tục triển khai một số hoạt động thiết thực khác như: giao lưu văn nghệ kết hợp với truyền thông về ma túy; thăm hỏi, động viên, giúp đỡ hội viên Hội Phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; trồng cây trong khuôn viên chùa. Các hoạt động này có sự tham gia sôi nổi, nhiệt tình của người dân địa phương dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ đầy trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo địa phương và của giảng viên hướng dẫn thực hành.

Qua đợt thực hành Phát triển cộng đồng, học viên đã được thực hành các kỹ năng quan trọng, đặc biệt là kỹ năng tiếp xúc với người dân, giúp họ tự giải quyết vấn đề của mình; kỹ năng xác định vấn đề của cộng đồng; sắp xếp vấn đề ưu tiên; sử dụng công cụ SWOT để phân tích thực trạng vấn đề; sử dụng cây vấn đề xác định nguyên nhân, hậu quả của vấn đề, từ đó tìm biện pháp khắc phục, giải quyết vấn đề; kỹ năng vận động tài chính từ dân cư. Đợt thực hành đã đáp ứng được mục đích và các mục tiêu của học phần Phát triển cộng đồng.

Thời gian thực hành Phát triển cộng đồng tại địa phương tuy không dài nhưng các hoạt động mà đoàn học viên đã thực hiện rất có ý nghĩa, được chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao. Chia tay đoàn học viên thực hành, cán bộ các thôn và người dân địa phương rất xúc động và lưu luyến.

Đợt thực hành Phát triển cộng đồng tại địa phương của chúng tôi đã kết thúc nhưng những dư âm đẹp đẽ còn đọng mãi trong tâm trí mỗi học viên. Dư âm ấy đã khơi dậy lòng nhiệt huyết, tiếp thêm động lực, tình yêu với nghề Công tác xã hội. Những tháng ngày chúng tôi được học tập dưới mái trường Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ tạo hành trang để chúng tôi vững vàng bước vào nghề, cống hiến hết mình vì nghề, giữ được đạo đức của nghề Công tác xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của toàn xã hội.