Tham dự hội thảo có bà Lê Thị Nga – UV Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; Ông Phan Thanh Bình – UV Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; bà Nguyễn Thị Thu Hà – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ, ngành, cơ quan tổ chức hữu quan.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, có một thực trạng đáng lo ngại về xâm hại của trẻ em thì có nhiều trường hợp xảy ra tại gia đình, do những người thân quen, ruột thịt. Theo báo cáo của các địa phương cho thấy ở tất cả các địa phương đều xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em ngay trong chính gia đình. Trước tình hình đó, gắn với nội dung giám sát của Quốc hội thì hội thảo về Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình lần này hướng đến các vấn đề trọng tâm cần được quan tâm thảo luận, làm rõ.

Một là khoảng trống của chính sách, pháp luật, những vấn đề đặt ra như về nguyên tắc áp dụng riêng cho đối tượng trẻ em, về các dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa đến can thiệp.

Hai là về dịch vụ hỗ trợ. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ, qua giám sát thực tiễn cho thấy nhiều địa phương quan niệm khu vui chơi giải trí mới là dịch vụ cho trẻ em nhưng thực ra còn rất nhiều vấn đề như hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ tư pháp…làm sao xã hội hóa vừa bảo đảm quản lý nhà nước để đa dạng, phong phú, thiết thực dễ tiếp cận với các gia đình và trẻ em.

Ba là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp thực hiện trong phòng chống xâm hại trẻ em.

Bốn là giáo dục trong gia đình và trang bị kĩ năng cho trẻ. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng đây là yếu tố cốt lõi, căn bản gốc rễ, nhiều vấn đề đang thay đổi như di cư, quan niệm đạo đức, lối sống, mạng xã hội,…đặt ra phương thức giáo dục,cách thức tiếp cận khác.

Nghiên cứu các vụ việc cụ thể cho thấy mỗi trường hợp lại đặt ra những vấn đề khác nhau, gợi ý về giải pháp khác nhau, sự hỗ trợ can thiệp khác nhau. Có nơi là trách nhiệm thành viên trong gia đình, có nơi là do điều kiện gia đình do mẹ đi làm ăn xa, hay trẻ không có bất cứ kĩ năng gì về phòng vệ và trước những trường hợp đó thì trách nhiệm của các bên liên quan đặt ra như thế nào.

Bên cạnh đó các công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, truy tố, xét xử cũng cần được xem xét để có kiến nghị phù hợp.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ mong muốn qua hội thảo sẽ có những phân tích, đề xuất chính sách về mô hình, các hoạt động can thiệp, cơ chế tổ chức bộ máy, chương trình giáo dục trong gia đình, cho trẻ em để có thể thực hiện trong thời gian tới.

Xem chi tiết bài viết TẠI ĐÂY