Để thực hiện Đề án trên, vai trò của công tác xã hội trong việc tham gia vào hệ thống hỗ trợ người tâm thần và rối nhiễu tâm trí là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết các trường đào tạo công tác xã hội ở Việt Nam đều chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, vẫn chưa có các môn học chuyên sâu về lĩnh vực công tác xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Với mục tiêu nâng cao năng lực và nhận thức của giảng viên công tác xã hội về chăm sóc sức khỏe tâm thần nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội, khóa tập huấn “Công tác xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần” do Trường Đại học Lao động – Xã hội và Tổ chức CIDA (Đại học Memorial – Canada) đã diễn ra từ ngày 12 – 15/8/2013.
Khóa tập huấn tập trung vào việc cung cấp kiến thức cơ bản về các dạng rối nhiễu tâm trí hay gặp ở Việt Nam như bệnh Tâm thần phân liệt, bệnh nghiện, stress,…; trang bị và thực hành các kỹ năng làm việc với người rối nhiễu tâm trí như kỹ năng quản lý ca, kỹ năng xử lý stress và căng thăng, kỹ năng tham vấn cho gia đình; Chỉ ra vai trò của nhân viên xã hội trong việc hỗ trợ cho người rối nhiễu tâm trí và gia đình của họ.
Phương pháp giảng dạy hiện đại kết hợp giữ lý thuyết và thực hành dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giảng viên đầu ngành đến từ Trường Đại học Đại học Memorial – Canada đã mang đến cho các học viên một bức tranh đầy đủ về chứng rối nhiễu tâm trí. Nguyên nhân, biểu hiện và cách thức phòng tránh cũng như can thiệp đối với căn bệnh này đã được các giảng viên trình bày qua những tình huống, những câu chuyện thực mà xã hội đang diễn ra.
Tham dự khóa học là gần 40 giảng viên đến từ các Trường đào tạo công tác xã hội ở Việt Nam, trong đó Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng cử 3 giảng viên của khoa Công tác xã hội theo học khóa tập huấn. Đây là cơ hội học tập và nâng cao nhận thức cho các giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam về các lĩnh vực chuyên sâu của công tác xã hội.
Sau 3 ngày học tập lý thuyết trên lớp, các học viên được tham quan thực tế tại Bệnh viện tâm thần TW1. Gặp gỡ, trao đổi cùng với giám đốc và các nhân viên tham vấn tại bệnh viện là cơ hội để các học viên trực tiếp tìm hiểu và làm rõ những thắc mắc của mình. Đặc biệt với mục đích tìm hiểu vai trò của nhân viên xã hội sẽ làm gì với người bệnh tâm thần lớp học đã trực tiếp trao đổi với nhân viên tham vấn cho các bệnh nhân tâm thần tại đây. Qua chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các nhân viên tham vấn, học viên thấy được phần nào các vai trò của người nhân viên xã hội nếu làm việc tại các bệnh viện tâm thần đó là vai trò của nhà tham vấn, vai trò kết nối các nguồn lực nhằm hỗ trợ bệnh nhân và người nhà của họ, vai trò điều phối các buổi sinh hoạt nhóm của bệnh nhân…. Đồng thời vai trò của nhân viên xã hội không chỉ là can thiệp mà còn phải nghĩ tới việc phòng ngừa các vấn đề xảy ra cho những người có nguy cơ bị rối nhiễu tâm trí và tâm thần. Để phòng ngừa cần có hệ thống các dịch vụ tham vấn, trị liệu ban đầu cho những người có nguy cơ rơi vào khủng hoảng và rối nhiễu tâm trí. Đây cũng là một phần kiến thức mà lớp học được cung cấp để hướng đến thực hiện tốt nhất vai trò của công tác xã hội trong việc phòng ngừa và can thiệp với căn bệnh rối nhiễu tâm trí và tâm thần trong xã hội.
Có thể nói rằng, công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam cho đến nay còn nhiều vấn đề bất cập cần phải quan tâm, nghiên cứu và tìm cách khắc phục. Chúng ta có hệ thống các bệnh viện tâm thần từ trung ương đến các tỉnh, tuy nhiên, khả năng phục vụ chỉ ở mức thấp. Đa phần người bệnh không được phát hiện và can thiệp sớm tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, còn thiếu những người làm công tác xã hội có đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với loại hình bệnh này nên hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần còn chưa thực sự hiểu quả. Ở các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần còn chưa có nhân viên công tác xã hội. Việc chăm sóc người bệnh chủ yếu do bác sỹ đảm nhận mà không có sự giúp đỡ của các nhân viên công tác xã hội.
Các giải pháp được đưa ra nhằm đẩy mạnh các hoạt động công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần đã được cả lớp thảo luận và thống nhất đó là:
Cần nhận thức được rằng, công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần đòi hỏi kiến thức, kỹ năng đặc thù xuất phát từ tính đặc thù của bệnh tâm thần, rất cần có môi trường xã hội quan tâm phòng ngừa, giảm thiểu và chăm sóc.
Người làm công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người rối nhiễu phải nắm vững các tiến trình chăm sóc, từ dự phòng đến can thiệp, phục hồi chức năng, họ cần phải được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng và chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng thông qua các lớp tập huấn, đào tạo. Họ phải là những người công tác xã hội chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản chuyên ngành về chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Để thực hiện các giải pháp trên thì việc đưa vào giảng dạy chuyên sâu về công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần là vô cùng quan trọng và đang được các trường đào tạo công tác xã hội hướng đến. Học viện Phụ nữ Việt Nam với mục đích đào tạo công tác xã hội có những nét đặc thù về giới thì việc đào tạo chuyên sâu về sức khỏe tâm thần là một phần không thể thiếu vì hơn ai hết phụ nữ và trẻ em gái là những người có nguy cơ cao và cần được chăm sóc về sức khỏe tâm thần nhiều hơn nam giới.
Khóa tập huấn đã đem lại cho các học viên những kiến thức và kỹ năng bổ ích nhằm tích lũy trong quá trình làm việc sau này.
Kết thúc khóa tập huấn với những kỳ vọng và nhắn nhủ từ phía ban tổ chức và giảng viên rất mong muốn Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho con người, đó phải được xem là mục tiêu hướng đến của ngành công tác xã hội nói chung.