Nội dung tập huấn tập trung vào chính sách đảm bảo an toàn cho trẻ em, phòng chống bóc lột, xâm hại và quấy rối tình dục; thúc đẩy bảo vệ an toàn cho trẻ em; thúc đẩy công tác bảo vệ trẻ em; truyền thông, ngăn chặn các hành vi bóc lột, xâm hại và quấy rối tình dục trẻ em. Thông qua tập huấn, đơn vị tổ chức mong muốn tất cả các đối tác hiểu được khái niệm chính sách, thảo luận các tình huống liên quan đến an toàn trẻ em; nắm được cơ chế và cách thức báo cáo các hành vi xâm hại.

Thông tin tập huấn cho thấy, tháng 11/2019, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã ban hành chính sách bảo vệ trẻ em, hiện đang trong quá trình triển khai tại các Hội địa phương và tiếp tục nghiên cứu, bổ sung với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có ChildFund Việt Nam. Chính sách bảo vệ trẻ em có đầy đủ thông tin về các khái niệm liên quan đến bảo vệ an toàn cho trẻ em và quy định rõ Bộ quy tắc ứng xử với trẻ em, yêu cầu cán bộ, nhân viên, đối tác của của Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Tổ chức ChildFund chức tuân thủ thực hiện.

Ảnh 1: Ông Đỗ Dương Hiển, cán bộ Tổ chức Childfund Việt Nam trình bày chính sách bảo vệ trẻ em

Tập huấn nhấn mạnh phương pháp tiếp cận lấy trẻ em làm trọng tâm, đảm bảo an toàn cho trẻ em là quan trọng nhất. Người thực hiện công tác bảo vệ trẻ em cần quan tâm hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, biết được những rủi ro mà trẻ em gặp phải, lưu tâm tới các yếu tố nguy cơ; biết địa chỉ và cách thức báo cáo khi có vấn đề về an toàn của trẻ. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng như Tổ chức ChildFund kiên quyết phản đối các hoạt động bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em.

Cơ chế báo cáo vụ việc xâm hại tình dục, quấy rối tình dục trẻ em được thực hiện theo Nguyên tắc ACT (Hành động) cần được tuân thủ. Cụ thể: A (Act): Hành động an toàn (nhìn, nghe, nghi ngờ; hành động an toàn; bảo mật: chỉ báo cáo sự việc với người thiết yếu, có trách nhiệm); C (Child-Centered): Lấy lợi ích của trẻ làm trọng tâm; đảm bảo trẻ được an toàn; lắng nghe, không thúc ép, tin tưởng ở các em; tìm kiếm người các em tin tưởng…; T (Time is important): Thời gian rất quan trọng; đừng chờ để hành động; không để thời gian trôi qua hoặc thời gian giải quyết quá dài; có thể hành động thì làm ngay, tránh làm tổn thương thêm cho trẻ.

Buổi tập huấn đã cung cấp các kiến thức hữu ích về bảo vệ trẻ em, thu hút được sự quan tâm của các ủy viên Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, các đối tác của ChildFund. Đây cũng là cơ hội để các đại biểu Hội thảo được trao đổi, chia sẻ các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, nhằm tạo cho trẻ em một môi trường an toàn để các em có thể phát triển tốt nhất và toàn diện nhất.