Mục tiêu kiến tập giúp sinh viên có kiến thức thực tế tổng quát về nghề công tác xã hội. Đồng thời, có cơ hội quan sát, thu thập thông tin, thực hiện một số kỹ năng cơ bản trong công tác xã hội để hiểu rõ hơn về các chính sách xã hội, các giá trị, chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu đối với nghề công tác xã hội, vai trò của nhân viên công tác xã hội… Kiến tập cũng giúp sinh viên củng cố, hệ thống hóa các kiến thức cơ sở và phát triển các kỹ năng cơ bản của nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, làm cơ sở cho việc học tập các học phần tiếp theo của chương trình đào tạo.

Tại cơ sở kiến tập, giảng viên và sinh viên của Học viện được đón tiếp nhiệt tình, nồng hậu, thể hiện tinh thần trách nhiệm và tình cảm của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của các cơ sở/tổ chức đối với giảng viên và sinh viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Sinh viên đã được nghe báo cáo của cơ sở kiến tập về cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, việc thực hiện chính sách xã hội và tình hình hoạt động của các cơ sở/tổ chức. Trên cơ sở lắng nghe, ghi chép, so sánh đối chiếu thông tin học tập, sinh viên đã đặt các câu hỏi, trao đổi để tìm hiểu rõ hơn về các hoạt động liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ sở, an sinh xã hội, công tác xã hội đang được thực hiện tại cơ sở. Đây là cơ hội để sinh viên thâm nhập thực tế, nghiên cứu thực tiễn, tìm hiểu, phát hiện những khó khăn, bất cập trong việc thực thi các chính sách an sinh xã hội, các hoạt động công tác xã hội tại các cơ sở/tổ chức.

Sau khi nghe báo cáo và trao đổi, thảo luận tại hội trường, tùy thuộc vào đặc thù của mỗi cơ sở, sinh viên được đi tham quan, tìm hiểu các mô hình hoạt động của các cơ sở như: nơi ăn ở sinh hoạt của thân chủ, phòng trị liệu/phục hồi chức năng cho người cao tuổi, phòng chăm sóc trẻ em, quy trình tiếp nhận thân chủ, các mẫu hồ sơ… Là lần đầu tiên sinh viên được đi thực tế nên phần lớn các em đều bộc lộ cảm xúc hồi hộp, mong chờ xen lẫn lo lắng. Khi được trực tiếp quan sát cuộc sống của các thân chủ, các mô hình hoạt động tại cơ sở, đa số sinh viên đã biểu hiện cảm xúc tích cực. Đây là yếu tố bồi đắp trái tim nhân ái, là động lực hun đúc bản lĩnh, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết với nghề ở sinh viên.

Không chỉ tham quan, tìm hiểu các mô hình, sinh viên còn được quan sát cách thức tổ chức hoạt động nhóm tại các cơ sở do các kiểm huấn viên dày dặn kinh nghiệm thực hiện. Từ cách thức tổ chức hoạt động nhóm, sinh viên có kiến thức và kỹ năng ban đầu về công tác xã hội nhóm. Ngoài ra, các kiểm huấn viên còn giới thiệu, trao đổi, chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm trong làm việc cá nhân với thân chủ. Đây là hoạt động thu hút sự quan tâm, chú ý đặc biệt của sinh viên. Sau đợt kiến tập, nhiều sinh viên đã thể hiện sự yêu nghề và bày tỏ quyết định lựa chọn nghề công tác xã hội là hoàn toàn đúng đắn.       

Để vận dụng kiến thức và một số kỹ năng đã được học như: quan sát, ghi chép, đặt câu hỏi, lắng nghe, thấu cảm…, sau khi quan sát, mỗi sinh viên lựa chọn một thân chủ để thực hành các kỹ năng nhằm thu thập thông tin, tìm hiểu hoàn cảnh, những khó khăn mà thân chủ đang đối mặt, mong muốn, nguyện vọng, nhu cầu của thân chủ. Với hoạt động này, sinh viên đã được thực hành tiếp cận thân chủ, làm tiền đề cho việc học môn Công tác xã hội cá nhân.

Đợt kiến tập của sinh viên ngành công tác xã hội Khóa 5 đã kết thúc tốt đẹp ngày 11/01/2019, đạt được mục tiêu đề ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong quá trình kiến tập, sinh viên thực hiện tốt quy chế thực hành, thực tập nghề nghiệp, các quy định của cơ sở kiến tập; tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ hướng dẫn kiến tập và kiểm huấn viên; tham gia nhiệt tình các hoạt động tại cơ sở dưới sự hướng dẫn và giám sát của cán bộ hướng dẫn kiến tập và kiểm huấn viên, được Ban lãnh đạo cũng như cán bộ, nhân viên của sơ sở kiến tập khen ngợi, đánh giá cao.