Ông Ngô Kiên Cường, Trưởng phòng Giáo dục – Hòa nhập cộng đồng, thuộc Cơ sở cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội tại buổi nói chuyện

Là người có 15 năm kinh nghiệm làm việc với các học viên cai nghiện ma túy và  thường xuyên chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế của bản thân cho học sinh, sinh viên, cán bộ các trường học, trung tâm về các chủ đề liên quan đến ma túy và người nghiện ma túy, ông Ngô Kiên Cường đã trao đổi các nội dung về đặc điểm tâm lý, nhu cầu và khó khăn của học viên trong quá trình cai nghiện; Các bước cai nghiện tại Trung tâm; Các chính sách xã hội đối với học viên cai nghiện và nhân viên làm việc trực tiếp với đối tượng cai nghiện; Những khó khăn của nhân viên CTXH tại cơ sở cai nghiện và cách khắc phục…

Sinh viên khoa CTXH tại buổi nói chuyện

Để hiểu rõ thêm, các em sinh viên đã tham gia thảo luận, trao đổi về các dịch vụ hỗ trợ sau cai nghiện; cách thức, điểm lưu ý khi làm việc với người nghiện ma túy; các hoạt động công tác xã hội đối với học viên; đời sống của cán bộ nhân viên tại cơ sở cai nghiện; những tiêu cực và hình thức xử lý các tiêu cực xảy ra hay vấn đề chế độ bữa ăn hàng ngày của học viên cai nghiện…Bằng những tình huống thực tế đã trải nghiệm, ông Cường đã hướng dẫn sinh viên cách thức xử lý tình huống một cách mềm mỏng, khéo léo nhưng vẫn đúng quy định để tránh làm kích động học viên cai nghiện ma túy, có thể gây hậu quả đáng tiếc. Ngoài ra, các quy định nghiêm ngặt của cơ sở cai nghiện đối với học viên cai nghiện, với cán bộ và với cả những sinh viên sau này đi thực hành, thực tế, thực tập muốn tiếp xúc, làm việc với học viên cai nghiện, nhất là những hành vi cấm cho học viên cai nghiện mượn điện thoại, mua hộ đồ dùng cho họ, cho họ số điện thoại của mình…cũng được ông Cường lưu ý.

Buổi nói chuyện chuyên đề đã cung cấp thêm cho sinh viên nhiều kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm lưu ý khi tiếp xúc, trợ giúp người nghiện ma túy giúp sinh viên trong quá trình thực hành nghề nghiệp sắp tới.