Tham dự hội thảo có TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, TS. Bùi Thị Mai Đông – Trưởng khoa Công tác xã hội. Ngoài ra tham dự  hội thảo còn có đại diện các trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Lao động xã hội; Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; Học viện Báo chí và TT; Trung tâm Bảo trợ xã hội 3;  Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An; Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái; Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 1; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Phúc (cùng 4 cán bộ Trung tâm)…và cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên khoa Công tác xã hội Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Quang Tiến cho rằng, hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, cán bộ, giảng viên các trường đại học và các cơ sở thực hành giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm về thực hành công tác xã hội trong đào tạo ở bậc đại học hiện nay. Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo, Khoa CTXH, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả các đợt thực hành trong đào tạo nghề Công tác xã hội tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Trong phần phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Bùi Thị Mai Đông khẳng định, thực hành là một trong những hoạt động cơ bản, có vai trò quan trọng trong tiến trình đào tạo nói chung; đào tạo nghề Công tác xã hội  nói riêng. Thông qua thực hành, sinh viên được vận dụng hệ thống lý thuyết vào thực tiễn, được rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, từ đó hình thành thái độ tích cực trong học tập và tác phong trong công việc. Hội thảo Thực hành công tác xã hội trong đào tạo bậc đại học hiện nay là cơ hội để các chuyên gia hàng đầu cùng chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm, hiểu biết của mình về lĩnh vực này.

Tại hội thảo, 5 tham luận đã được trình bày là:  Thực trạng thực hành CTXH trong đào tạo ở bậc đại học tại Học viện Phụ nữ Việt Nam do Ths. Nguyễn Thị Thu Hường – Trưởng Bộ môn CTXH cơ bản, Khoa CTXH, Học viện PNVN trình bày; Thực hành CTXH của sinh viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh do Ths. Phạm Thị Ngoan – Trưởng phòng Quản lý và tư vấn, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh trình bày; Thực hành CTXH của sinh viên tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động – Xã hội số 2 do Ths. Đào Thị Huyền – Trưởng Phòng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động – Xã hội số 2 trình bày; Vai trò hỗ trợ thực tập sinh Công tác xã hội của cán bộ tại cộng đồng do Ths. Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó trưởng khoa CTXH, Đại học Lao động – Xã hội trình bày; Tổ chức thực hành thường xuyên – Mô hình thực hành hỗ trợ đào tạo ứng dụng ngành CTXH tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam do Ths. Nguyễn Trọng Tiến – Trưởng khoa CTXH – Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trình bày.

Với các nội dung đa dạng nhưng đều tập trung vào vấn đề thực hành các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ một số nội dung như: Một là vị trí, vai trò của các học phần thực hành trong cấu trúc chương trình đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội; Hai là nhưng ưu điểm, hạn chế của cách thức tổ chức thực hành Công tác xã hội của các trường hiện nay. Vai trò của giáo viên hướng dẫn; kiểm huấn viên cơ sở thực hành. Những khó khăn, thuận lợi của kiểm huấn viên cơ sở trong việc hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập; Ba là, tìm kiếm những những giải pháp để nâng cao hiệu quả của các đợt thực hành CTXH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CTXH, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Kết thúc hội thảo, đại diện hai đơn vị, TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam và Ông Lê Chí Quý – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Biên bản ghi nhớ đánh dấu sự hợp tác trong đào tạo giữa hai đơn vị.