Hội thảo tập huấn: “Nền kinh tế chăm sóc và bình đẳng giới tại Việt Nam” diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng 9 năm 2016 tại Đồ Sơn, Hải Phòng do Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội cùng với UN Women tổ chức chính là bước khởi đầu cho lộ trình này.

Trong thời gian diễn ra Hội thảo, các học viên đã có cơ hội nắm bắt thực trạng của hoạt động chăm sóc không được trả lương trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay, thấu hiểu gánh nặng đối với phụ nữ trong công việc này và những lý do dẫn đến thực trạng đó.

Học viên cũng được hiểu biết một cách sâu sắc về “Nền kinh tế chăm sóc” bao gồm các khái niệm về chăm sóc, chăm sóc được trả lương và chăm sóc không được trả lương. Học viên và giảng viên cũng đã cùng nhau chia sẻ việc tổ chức các công việc chăm sóc tại Việt Nam hiện nay, các chủ thể đang đảm nhiệm hoạt động đó và những vấn đề xảy ra.

Khái niệm chăm sóc được các giảng viên đề cập đến một cách chi tiết, cụ thể và chính xác như: “Chăm sóc bao gồm tất cả những hoạt động cần thiết, diễn ra hàng ngày, để tái tạo thể chất, tinh thần và cảm xúc một cách khỏe mạnh cho con người”; Chăm sóc vừa là nhu cầu vừa là công việc.

Từ đó, giúp cho học viên có thể phân tích được các vấn đề liên quan đến giới trong nhu cầu được chăm sóc cũng như việc thực hiện công việc chăm sóc và công việc chăm sóc không được trả lương.

Những học viên tham gia khóa học đã chỉ ra công việc chăm sóc không được trả lương này đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc tái tạo sức lao động, gìn giữ các mối quan hệ, môi trường sống trong gia đình, cộng đồng và xã hội.Tuy nhiên, nó cũng là một trong những yếu tố cản trở phụ nữ phát triển tri thức, cơ hội tiếp cận thị trường lao động, tạo ra những bất bình đẳng về vị thế trong gia đình cũng như ngoài xã hội của phụ nữ và nam giới. Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, công việc chăm sóc không được trả lương không được tính đến trong nền kinh tế quốc dân. Những quốc gia đã có các chính sách đề cập đến vấn đề này chưa thực sự nhiều.

Từ khái niệm chăm sóc, học viên được làm quen với khái niệm “kinh tế chăm sóc”, từ đó thấy được sự tương tác chặt chẽ giữa kinh tế chăm sóc và kinh tế thị trường ở cấp độ vi mô như trong gia đình và cấp độ vĩ mô là nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Cách truyền tải đầy sức thuyết phục cùng với việc phối hợp nhiều phương pháp khác nhau, giảng viên đã giúp cho học viên nhận thấy rõ ràng giá trị của công việc chăm sóc, vai trò của công việc chăm sóc đối với việc phát triển xã hội, phát triển kinh tế và hướng tới hữu hình hóa nền kinh tế chăm sóc.

Tất cả những điều trên đã tạo nên thành công của buổi hội thảo, tập huấn.