Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà thực hành đến từ các trường đại học có đào tạo công tác xã hội như: Đại học Thăng Long, Đại học Lao động – Xã hội, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Ban Chính sách Luật pháp – Hội LHPN Việt Nam, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh, Tổ chức Hagar Việt Nam, Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển – Hội LHPN Việt Nam…

Phát biểu khai mạc, TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đã nêu lên tầm quan trọng của công tác xã hội trong hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về. Với quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau”, công tác xã hội hướng đến hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân bị mua bán trở về để họ được phục hồi chức năng xã hội và hòa nhập cộng đồng.

Sau phát biểu khai mạc là báo cáo đề dẫn về “Hoạt động công tác xã hội trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” do PGS.TS. Đoàn Thị Thanh Huyền – Phó Trưởng khoa phụ trách Công tác xã hội trình bày. Báo cáo đã nêu rõ tình hình mua người hiện nay và xu hướng gia tăng loại tội phạm này. Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về là một công tác toàn diện, phức tạp, liên quan tới các vấn đề về tâm lý, pháp luật, giáo dục, hỗ trợ hồi phục và tái hòa nhập cộng đồng. Công tác hỗ trợ nạn nhân hồi phục và tái hòa nhập cộng đồng vẫn đang tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về mặt thực tế và chính sách. Với chức năng phòng ngừa và hỗ trợ, can thiệp công tác xã hội đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân bị mua bán trở về và truyền thông trong cộng đồng nhằm giảm thiểu nạn mua bán người.

Tiếp đó là các báo cáo tham luận của các đại biểu tham dự trình bày. Báo cáo tham luận về “Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” do tác giả Cao Thị Hồng Minh – Phó Trưởng Ban Chính sách – Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trình bày đã phân tích những hoạt động của Hội LHPN Việt Nam trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về như: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục; củng cố và mở rộng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên; đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; dạy nghề, tạo việc làm; giám sát việc thực hiện pháp luật; hợp tác quốc tế trong hoạt động phòng chống mua bán người… Các báo cáo tham luận khác như “Thực hành CTXH hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị mua bán tại Ngôi nhà Bình yên” (do tác giả Đỗ Thị Anh Châm – Quản lý các mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em dễ bị tổn thương, Ngôi nhà Bình yên trình bày), “Quy trình hỗ trợ nạn nhân mua bán người của Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh” (do tác giả Đinh Thị Minh Châu – Quản lý Dự án hỗ trợ nạn nhân của mua bán người, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh trình bày), “Hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại Tổ chức Hagar” (do tác giả Nguyễn Thị Khôi – Tổ chức Hagar trình bày) đã đã bàn luận về các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó nhấn mạnh đến các quy trình, kỹ năng và kinh nghiệm trong hoạt động này.

Hội thảo còn được nghe các ý kiến trao đổi, chia sẻ từ phía các khách mời là cán bộ, giảng viên và những người trực tiếp can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Các vấn đề được tập trung thảo luận là hoạt động phòng ngừa; hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân; vấn đề đào tạo nghề và việc làm; các kiến thức, kỹ năng cần có của nhân viên công tác xã hội khi làm việc với thân chủ; vấn đề kì thị đối với nạn nhân bị mua bán…

Trên cơ sở các nội dung trao đổi trong Hội thảo, Khoa Công tác xã hội sẽ đưa ra các hướng nghiên cứu và nội dung giảng dạy về công tác xã hội trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Hội thảo cũng sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong đào tạo và thực hành nghề Công tác xã hội giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với các trường có đào tạo nghề Công tác xã hội và các tổ chức, cơ sở thực hành công tác xã hội.