Các thông tin về tuyển sinh năm 2020 của HVPNVN

+ Năm 2020 nhà trường tuyển sinh những ngành nào? Tổng chỉ tiêu là bao nhiêu? Chỉ tiêu phân bố cho từng ngành? Các phương thức tuyển sinh?

Năm 2020, Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh 9 ngành đào tạo cử nhân (Quản trị kinh doanh, Công tác xã hội, Luật, Giới và Phát triển, Quản trị dịch vụ du lịch lữ hành, Truyền thông đa phương tiện, Tâm lý học, Kinh tế Quốc tế, Luật Kinh tế) với tổng chỉ tiêu là 900. 

Cụ thể, ngành QTKD 130 chỉ tiêu; CTXH: 70; Giới & PT: 60; Luật: 100; Quản trị du lịch & lữ hành: 200; Truyền thông Đa phương tiện: 120; Kinh tế: 50; Tâm lý học: 50; Luật kinh tế: 50.

+ Xét tuyển theo hình thức xét học bạ là như thế nào ?

Năm 2020 có 3 đợt xét học bạ kéo dài từ tháng 5 đến khi tuyển sinh đủ chỉ tiêu đối với 9 ngành đào tạo cử nhân. Đợt 1 và 2 thí sinh xét điểm học bạ với yêu cầu: tổng điểm trung bình chung 3 môn thuộc tổ hợp khối xét tuyển lớp 12 >= 18đ. Do ảnh hưởng của dịch Covid19 nên đợt 1 và 2 Học viện chấp nhận điểm tổng kết HK1.

Về hình thức: Thí sinh có thể đk xét tuyển online trên website học viện, đến nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi về học viện theo đường bưu điện.

+ Tổ hợp nào sẽ được dùng để xét tuyển học bạ vào các ngành của Học viện ?

Các tổ hợp: A00 (Toán, Lý Hóa), A01 (Toán, Lý, Ngoại ngữ), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh). Riêng đối với ngành Truyền thông ĐPT thì ngoài các khối trên còn xét khối V (Toán, Lý, Vẽ) và H (Văn, Vẽ + Vẽ 2).

+ Trúng tuyển đợt 1 xét học bạ nhưng nhập học đợt 2 có được không?

Nếu không nhập học đúng đợt theo yêu cầu thì kết quả sẽ không còn giá trị. Thí sinh có thể tiếp tục đk xét đợt 2.Tuy nhiên, vì tổng chỉ tiêu không thay đổi nên càng về các đợt sau số thí sinh, mức điểm trúng tuyển sẽ càng cạnh tranh hơn. Cơ hội sẽ hẹp lại vì thế em nên nắm bắt cơ hội xác nhận nhập học ngay khi đủ điều kiện.

+ Các đối tượng được xét tuyển thẳng vào Học viện?

Ngoài các đối tượng được xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục & ĐT, Học viện Phụ nữ Việt Nam có thêm 3 đối tượng xét tuyển thẳng như sau:

Đối tượng là: Thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp Tỉnh/Thành phố trở lên trong thời gian học trung học phổ thông (cấp Ba) và môn thi học sinh giỏi thuộc tổ hợp xét tuyển của Học viện.

Đối tượng là: Thí sinh tốt nghiệp cấp Ba đạt loại Giỏi trở lên.

Đối tượng là: Thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế còn giá trị sử dụng (tính đến ngày xét tuyển) tương đương IELTS 5.5 trở lên

+ Học viện có tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT những năm trước năm 2020 không?

Có. Xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ như các thí sinh tốt nghiệp năm 2020.

+ Học sinh sử dụng điểm lớp 11 để xét học bạ vào các ngành của Học viện có được không ?

Năm 2020, Học viện chỉ xét điểm học bạ năm học lớp 12 của thí sinh.
 + Học viện Phụ nữ Việt Nam có tuyển sinh viên nam không?

Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh trên toàn quốc không phân biệt địa bàn hay giới tính. Hiện tại, Học viện có khoảng 400 sinh viên là nam.

+ Với thế mạnh đào tạo đa dạng các ngành, sinh viên khi theo học tại trường nếu muốn học song ngành cần đáp ứng các điều kiện nào?

Sau khi kết thúc năm 1 của chuyên ngành thứ 1 sinh viên được quyền đăng ký học chuyên ngành thứ 2 nếu điểm trung bình chung đạt từ 6,5 trở lên. Trong quá trình sinh viên học song ngành nếu điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 6,0 thì phải dừng học thêm chuyên ngành thứ 2 trong năm tiếp theo. Ngoài chương trình học song ngành, học viện còn có cơ chế học vượt theo tiến độ nhanh, học cải thiện điểm để giúp sinh viên có thể phát huy tối đa khả năng và tiết kiệm thời gian ở bậc đại học.

+ Đối với thủ tục nhập học, các bạn thí sinh cần có những giấy tờ gì, mua ở đâu, bộ phận nào sẽ hỗ trợ thí sinh khi có thắc mắc?

Thí sinh sẽ chuẩn bị 1 bản học bạ photo công chứng, Giấy đăng ký xét tuyển vào học viện và chứng nhận điểm thi tốt nghiệp THPT bản gốc để chính thức trở thành SV của HV Phụ nữ Việt Nam. Các thông tin hướng dẫn đều được đăng tải trên website và truyền thông trên facebook của học viện. Thí sinh có thể tương tác trực tiếp trên mạng hoặc gọi điện đến phòng Đào tạo (024.37751750) để được giải đáp.

+ Mức học phí của các ngành đào tạo chính quy? Lộ trình tăng học phí theo năm học của trường?

Mức học phí ngành ĐT chính quy của HV hiện đang thuộc top các trường ĐH công lập thu học phí thấp nhất từ 300-310.000/tín chỉ. Thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí mỗi năm HV tăng học phí 1 lần và mức tăng không quá 10%.

+ Nhà trường có sinh viên khóa trước hỗ trợ cho các em tân sinh viên khi mới vào trường nhập học hay không?

Hàng năm, trước mỗi đợt đón tân SV nhập học, Đoàn thanh niên học viện luôn chủ động phân công cựu SV hỗ trợ đón tiếp, hướng dẫn, đưa đi tham quan cơ sở vật chất của HV. Ngoài ra, các tân SV còn được chào đón bằng các sự kiện như Đại nhạc hội chào tân SV hoặc các hoạt động cụ thể của từng CLB đón chào thành viên mới.
+ Những kinh nghiệm để học sinh bớt áp lực, tâm lí khi đi thi, những điều học sinh cần chuẩn bị tốt cho kì thi
.

Một số nguyên nhân gây mất bình tĩnh và cách khắc phục:

1) Do bản thân cứ tự hù dọa chính mình bằng những suy nghĩ không tích cực : không biết đề thi có khó không, liệu mình có làm được bài không, nếu mình không làm được thì sẽ như thế nào, nếu thi trượt thì sẽ chết mất… >>> Hồi hộp, tim đập chân run, tay chân cứng đờ, người lạnh toát…

  • Khắc phục
  • Hít sâu và thở ra từ từ
  • Uống chút nước
  • Nhai thứ gì đó để massage cho não
  • Cười với bạn bên cạnh
  • Massage cho cơ thể: bóp ngón tay, vặn người, xoay đầu
  • Nghĩ đến những điều làm mình vui vẻ, hào hứng

2) Gặp đề thi khó hoặc đề thi quá dài dẫn đến mất tinh thần hoặc nản.

  • Khắc phục:
  • Hãy nhớ đề khó là khó chung
  • Hãy làm câu dễ trước
  • Nếu không làm được câu nào, hãy để đó vài phút, uống nước, matxa rồi đọc lại đề từ đầu. Nếu vẫn không tìm được cách làm thì cứ làm đại vào giấy nháp thì từ từ kiến thức sẽ dần tập hợp, tư duy dần sáng suốt

3) Nỗi lo giám thị: mặt ngầu, khó tính, khó khăn, khó chịu

  • Khắc phục:
  • Hãy nhớ giám thị chính là những “thiên thần hộ vệ” của thí sinh, họ đến để giúp cuộc thi diễn ra công bằng. Vì thế bạn không phải sợ. Bạn cứ cố gắng làm tốt bài thi của mình.

4) Rắc rối từ những thí sinh cùng phòng: bấm máy tính liên tục, xin giấy, nộp bài sớm làm mình sốt ruột

  • Khắc phục: Hãy nhớ, họ xin giấy có khi để làm lại, nộp bài sớm chưa chắc đã đúng. Đừng quan tâm mà hãy tập trung vào bài của mình.

Bị bạn khác khều khều nhờ chỉ bài-> Hãy lắc đầu và thể hiện thái độ, nếu cần có thể báo với giám thị.

5) Môn đầu làm tệ, quá oải, không làm được các môn sau:

  • Khắc phục:
  • Hãy vượt qua nỗi buồn, những chuyện đã qua hãy cho nó qua
  • Lùi một bước để tiến 3 bước

* Sai lầm mà các sĩ tử mắc phải trước khi đi thi là:

  • Thức quá khuya để học bài
  • Bỏ bữa sáng (lo quá không ăn được)
  • dẫn đến tình trạng “não đình công” không làm được bài

* Lời khuyên cho các sĩ tử trước khi đi thi:

  • Sạc đầy năng lượng cho cơ thể bằng cách ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ
  • Tự tin để làm bài tốt. Mà muốn tự tin thì cần phải tích lũy kiến thức trước đó; và phải suy nghĩ lạc quan “đi thi thôi mà”, hàng triệu học sinh cũng đi thi như mình mà, mình đâu có đơn độc. Phải chọn trường phù hợp với năng lực, đam mê, sở thích.

* Bí quyết học ôn thi hiệu quả

Mỗi người sẽ có một bí quyết riêng, có bí quyết hiệu quả với người này nhưng lại không hiệu quả với người khác. Các em có thể tham khảo một số bí quyết dưới đây nhé:

  1. Tránh xa những nguy cơ quấy rối:
  • Thoát facebook trước khi học
  • Tắt máy tính
  • Rút điện ti vi
  • Để điện thoại chế độ im lặng
  • Tránh xa chiếc giường hoặc ngồi quay lưng lại nó
  1. Học cùng bạn: 3-4 bạn tạo thành một nhóm, mỗi bạn phụ trách một bài chế biến thành câu đố vui để đố nhau, bạn đóng vai thầy, bạn đóng vai trò kiểm tra chéo nhau, có tính điểm, có thưởng.

Hoặc tìm một người không hiểu để giảng lại cho họ, đó là cách tốt nhất để hình dung lại bài học.

  1. “Sạc pin cho não” bằng cách ăn uống và ngủ đủ giấc, vì ta không thể làm gì khi bộ não ốm yếu và mệt mỏi.
  2. Chế biến bài học theo cách riêng của mình theo biểu đồ xương cá, biểu đồ mặt trời, bản đồ tư duy… với những hình ảnh và màu sắc bắt mắt.
  3. Ghi âm và nghe lại giọng của mình khi học bài hoặc quay phim lại để xem gương mặt ngộ nghĩnh của mình cũng rất thú vị và nhớ lâu.

+ KTX của học viện rất hiện đại có cả điều hòa, máy giăt, bình nóng lạnh, vệ sinh khép kín, đi lại bằng thang máy vậy chi phí có cao không?

Học viện hiện duy trì hai khu KTX đáp ứng theo nhu cầu của SV.

  • Nhà 3 tầng: tiêu chuẩn 10 người/phòng

+ Tiền phòng, tiền nước và phí vệ sinh: 250.000đ/người/tháng

  • Nhà 15 tầng: tiêu chuẩn 08 người/phòng

+ Tiền phòng, tiền nước, thang máy và phí vệ sinh: 550.000đ/người/tháng

+ Nếu đạt đủ điểm để xét học bạ vào các ngành của Học viện thì đã trở thành tân sinh viên của Học viện chưa ?

Đối với thí sinh 2k2, đủ điểm xét học bạ vào HV thì em cần thi đỗ tốt nghiệp THPT năm 2020. Đối với thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước 2020, xét học bạ đạt yêu cầu sẽ chính thức trở thành tân SV của học viện.

+ Có học lực xếp loại trên học bạ đạt loại Khá xấp xỉ Giỏi, nên xét điểm thi vào ĐH Luật hay xét học bạ vào khoa Luật của Học viện Phụ nữ Việt Nam?

Việc cân nhắc và đưa ra lựa chọn chính xác nguyện vọng xét tuyển phù hợp với năng lực là việc rất quan trọng của mỗi thí sinh. Để có cơ hội chắc chắn hơn, em có thể xét học bạ vào ngành Luật của HV nếu đạt đủ yêu cầu xét tuyển. Cơ hội sở hữu một tấm vé vào ĐH sẽ chắc chắn hơn bởi điều kiện cần em đã có, chỉ cần đỗ tốt nghiệp là em trở thành tân Sv của HV. Còn sau khi biết điểm thi, em vẫn có thể sử dụng điểm thi của mình để xét vào các trường ĐH khác nếu muốn.

+  Hiện đang học năm 1 tại trường đại học khác muốn chuyển sang học viện thì phải xét học bạ/điểm thi lại như các bạn thí sinh 2020 hay được chuyển trường?

Hàng năm, HV vẫn tiếp nhận các SV đang học tại các trường ĐH khác chuyển sang, em không cần xét điểm thi hay học bạ mà có thể thực hiện các thủ tục để chuyển trường. Vấn đề này có thể LH phòng Đào tạo(024. 37751750) sẽ được hướng dẫn chi tiết.