Trong phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS. Bùi Thị Mai Đông – Trưởng Khoa Công tác xã hội khẳng định, mục đích của Hội thảo nhằm tăng cường sự hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về nghề Công tác xã hội trong bệnh viện giữa các trường đại học đào tạo Công tác xã hội và các phòng, trung tâm Công tác xã hội tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội; nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, chính xác, khách quan thực trạng Công tác xã hội trong bệnh viện; bàn luận về những vấn đề khó khăn, tồn tại và tìm ra các giải pháp cần thiết, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề Công tác xã hội trong bệnh viện. Hội thảo cũng góp phần mở rộng cơ hội hợp tác trong giáo dục, nghiên cứu, thực hành, thực tập và cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Công tác xã hội.

Tại Hội thảo, có 5 tham luận được trình bày, chủ yếu về các vấn đề: nhu cầu Công tác xã hội lâm sàng trong các bệnh viện tại Việt Nam; mô hình Công tác xã hội trong bệnh viện trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; mô hình và hoạt động Công tác xã hội tại các bệnh viện (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội); đề xuất kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác xã hội trong bệnh viện… Các báo cáo tham luận đã đưa ra các góc nhìn với nhiều chiều cạnh về mô hình công tác xã hội. Các báo  cáo đặc biệt đề cập đến hoạt động của nhân viên công tác xã hội cũng như chức năng, nhiệm vụ của phòng Công tác xã hội tại các bệnh viện; những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động công tác xã hội tại bệnh viện; nhu cầu cần thiết phải đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cho đội ngũ nhân viên Công tác xã hội làm việc trong các bệnh viện.

Sau phần trình bày tham luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề: thực tế mô hình công tác xã hội trong bệnh viện ở Việt Nam hiện nay; các dịch vụ công tác xã hội trong bệnh viện; những hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện; vai trò của nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện; những kiến thức, kỹ năng mà nhân viên công tác xã hội làm việc trong bệnh viện cần có…

Tại Hội thảo, Bác sĩ Vũ Thị Thuý Hiền – Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã đưa những khó khăn trong hoạt động nghề, đó là thiếu bộ công cụ, tài liệu hướng dẫn để làm việc với phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, hy vọng rằng các cơ sở đào tạo về Công tác xã hội sẽ phối hợp thiết kế, xây dựng bộ công cụ và biên soạn tài liệu hoàn chỉnh phục vụ cho hoạt động công tác xã hội tại các cơ sở thực hành, đặc biệt là ở các bệnh viện phụ sản, giúp cho hoạt động này hiệu quả hơn. Đại diện lãnh đạo các phòng/trung tâm Công tác xã hội của các bệnh viện cũng chia sẻ những cơ hội việc làm, thực hành, thực tập đối với sinh viên ngành Công tác xã hội.

Sau khi thảo luận, các đại biểu đi đến thống nhất quan điểm: nhân viên Công tác xã hội trong bệnh viện không chỉ cần được đào tạo về kiến thức, kỹ năng của nghề mà còn cần được trang bị những kiến thức cơ bản về y tế; nhân viên Công tác xã hội không chỉ hỗ trợ cho bệnh nhân/người nhà bệnh nhân mà còn cần phải hỗ trợ cho nhân viên y tế trong công việc chuyên môn cũng như trong cuộc sống nghề nghiệp khi họ gặp khó khăn, căng thẳng do áp lực công việc.

Hội thảo khoa học: Nâng cao tính chuyên nghiệp nghề Công tác xã hội trong bệnh việnđã đem đến cho các đại biểu tham dự nhiều thông tin, kinh nghiệm thực tế về Công tác xã hội trong bệnh viện. Hội thảo cũng là cơ hội nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với các trường đại học và các cơ sở thực hành, đặc biệt là các bệnh viện.