Đón tiếp ngài Phó Đại sứ Keith Conway là TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, các lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và 150 sinh viên các ngành thuộc học viện.

Những tiết mục văn nghệ chào đón ngài Phó đại sứ do Đoàn Thanh niên Học viện thể hiện

Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Giám đốc Dương Kim Anh cho biết: “New Zealand có mức tiến bộ bình đẳng giới và phát triển con người rất cao. Nhiều năm liền, New Zealand nằm trong Top 10 các nước có nỗ lực tốt nhất trong thu hẹp Khoảng cách giới (GII), Top 10 các nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất. Là học viện đi đầu về đào tạo các ngành học thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững, Học viện Phụ nữ Việt Nam hân hạnh được đón ngài Phó Đại sứ Keith Conway và cán bộ truyền thông Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam tới thăm Học viện, giới thiệu về bình đẳng giới ở New Zealand và chia sẻ thông tin về Cuộc thi “Đàm đạo cùng Helen Clark” – Sáng tạo slogan cổ vũ tinh thần phụ nữ lãnh đạo nhân dịp nguyên thủ tướng New Zealand – bà Helen Clark tới thăm Việt Nam vào đầu tháng 11/2018. Đề nghị sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam nhiệt liệt hưởng ứng cuộc thi và sáng tạo được nhiều thông điệp truyền thông có ý nghĩa”.

Mở đầu bài nói chuyện bằng ngôn ngữ Tiếng Việt, ngài Keith Conway đã tạo ấn tượng tốt đẹp sâu sắc đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên Học viện. Đặc biệt, thông qua hình ảnh Bánh trôi nước trong tác phẩm cùng tên của thi sĩ Hồ Xuân Hương. Ngài Phó đại sứ đã khéo léo lồng ghép quan điểm cá nhân cũng như những nỗ lực của chính phủ New Zealand và đại sự quán trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới. Ngài Keith Conway cho rằng, việc xóa bỏ định kiến giới, thay đổi cách nhìn nhận về bình đẳng giới không phải là những điều quá xa xôi và to lớn, nó được bắt đầu từ chính những hành đông nhỏ bé và thường ngày của chúng ta. Ngài minh chứng cho quan điểm của mình bằng việc khẳng định phụ nữ sinh và là để được yêu thương và tôn trong, mỗi người có thể tự nhận trách nhiệm chia sẻ với phụ nữ những công việc thường ngày cũng như những vấn đề lớn lao trong gia đình, cuộc sống. Với ngài Phó đại sứ, thế giới này dành cho tất cả chúng ta và không ai bị bỏ lại phía sau đặc biệt là phụ nữ.

 Ngài Keith Conway cũng cho biết, cuộc thi Sáng tạo slogan cổ vũ tinh thần phụ nữ lãnh đạo được đại sứ quán phát động vào ngày 25/10 hướng tới sự kiện đón cựu thủ tướng Helen Clark sẽ sang thăm Việt Nam vào đầu tháng 11.

Năm 1999 bà Helen Clark trở thành thủ tướng thứ 37 của New Zealand và là vị thủ tướng tại vị lâu nhất với 3 nhiệm kỳ – từ năm 1999 đến năm 2008. Bà là Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) trong hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2009 đến năm 2017.Cựu Thủ tướng Helen Clark đã rất thành công trên cương vị lãnh đạo. Bà cũng là người cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào bình đẳng giới. Helen Clark luôn cổ vũ phụ nữ nỗ lực vươn lên bởi lẽ ‘bất kỳ nỗ lực nào hướng tới một xã hội bền vững hơn đều phải có yếu tố bình đẳng giới’. Phát động cuộc thi đúng dịp cựu thủ tướng Helen Clark sang thăm Việt Nam, đại sứ quán New Zealand hi vọng chuyến thăm của bà là dịp lan tỏa sâu rộng hơn những thông điệp về bình đẳng giới.

Ngay sau phần chia sẻ của ngài Keith Conway về bình đẳng giới và cuộc thi, rất nhiều sinh viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tự tin trao đổi bằng tiếng Anh với ngài Phó đại sứ về các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại New Zealand, tại Việt Nam và trên thế giới. Đặc biệt, các bạn tỏ ra rất hào hứng với cuộc thi “Đàm đạo cùng Helen Clark” – Sáng tạo slogan c��� vũ tinh thần phụ nữ lãnh đạo. Những tiêu chí để đạt giải thưởng cũng như những ý nghĩa mà cuộc thi mang lại đều được các bạn trao đổi và chia sẻ để có những thông tin cụ thể nhất trong quá  trình tham gia cuộc thi.

Đại diện sinh viên học viện, bạn Đỗ Thu Thủy – sinh viên K3 Giới & phát triển đã chia sẻ niềm vui khi được tiếp xúc, trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm liên quan đến vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới do Phó đại sứ Keith Conway chia sẻ.  Đặc biệt, bạn khẳng định đối với việc hưởng ứng, tham gia cuộc thi “Đàm đạo cùng Helen Clark” – Sáng tạo slogan cổ vũ tinh thần phụ nữ lãnh đạo không chỉ giúp các bạn thể hiện sự sáng tạo, tài năng của tuổi trẻ và trách nhiệm của bản thân đối với sứ mệnh thúc đẩy bình đẳng giới mà còn góp phần khẳng định sự lựa chọn môi trường Học viện Phụ nữ Việt Nam của các bạn hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại – một xã hội không còn sự thiệt thòi đối với phụ nữ và trẻ em gái, công bằng cho tất cả mọi người.

Với nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững, buổi đón tiếp và làm việc với Phó Đại sứ New Zealand tại Việt Nam là cơ hội để học viện kết nối, thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam trong các hoạt động giáo dục, truyền thông, bình đẳng giới và phát triển.

Cán bộ, giảng viên và sinh viên học viện chụp ảnh lưu niệm với ngài ngài Keith Conway

Thể lệ cuộc thi “Đàm đạo cùng Helen Clark” – Sáng tạo slogan cổ vũ tinh thần phụ nữ lãnh đạo:  

1. Thể lệ
• Gửi một slogan (bằng tiếng Việt, hoặc tiếng Anh hoặc bằng cả hai thứ tiếng) do chính bạn sáng tạo, nhằm cổ vũ tinh thần phụ nữ lãnh đạo ở Việt Nam. Đồng thời, bạn sẽ gửi một đoạn văn ngắn (dưới 300 từ) để giải thích ý tưởng đằng sau thông điệp của bạn.
• Bạn phải gửi slogan và thông điệp theo đường link sau: 
http://bit.ly/2Rfk8xg
• Thời gian: 25 tháng 10 – 2 tháng 11 năm 2018

(*) Chú ý: 
• Thông điệp của bạn phải do bạn sáng tạo ra và không được đạo ý tưởng của những thông điệp đã được đăng trên truyền thông trước đó.
• Bạn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về bản quyền của thông điệp bạn gửi dự thi.
• Mỗi người có thể gửi hơn một slogan.
• Slogan có thể viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc cả hai thứ tiếng.

2. Giải thưởng
Đại sứ quán New Zealand sẽ chọn ra 03 giải thưởng giành cho 03 bạn xuất sắc nhất, công bố vào 10:00 ngày 5/ 11/ 2018. 
• 01 Giải nhất: Người thắng cuộc sẽ có một buổi đàm đạo riêng cùng Cựu Thủ tướng Helen Clark. Bạn cũng sẽ nhận được một chứng chỉ từ Đại sứ Wendy Matthews cùng một món quà nhỏ từ Đại sứ quán New Zealand. 
• 02 giải phụ: 02 người chiến thắng sẽ nhận được chứng chỉ từ Đại sứ Wendy Matthews cùng một món quà nhỏ từ Đại sứ quán New Zealand.