Ngày 6/11/2014 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1157/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam. Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam được thành lập trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của Ban liên lạc các trường ĐH, CĐ Việt Nam và Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức giáo dục Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam ở nước ngoài, công dân và tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, để hỗ trợ nhau phát triển, bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của các hội viên. Hiệp hội hoạt động dựa trên nguyên tắc bất vụ lợi, không dựa vào ngân sách Nhà nước, dân chủ, thuyết phục nhau và cùng thỏa thuận.

Đến nay Hiệp hội đã tập hợp được gần 350 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trên 30 thành viên cá nhân trong cả nước  tham gia trong đó có Học viện Phụ nữ Việt Nam.

TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam và lãnh đạo các khoa, phòng thuộc học viện đã đón tiếp PGS TS Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội, nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT cùng các thành viên của đoàn.

Mở đầu buổi làm việc, Giám đốc Trần Quang Tiến trân trọng cảm ơn và chào mừng đoàn đã đến thăm và làm việc với học viện. Giám đốc cũng trình bày phần giới thiệu sơ bộ về quá trình hình thành, nâng cấp và định hướng phát triển học viện trong thời gian tới.

Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, được thành lập theo Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tiền thân là Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, kế thừa 56 năm xây dựng và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. Học viện hiện có một Phân hiệu tại Tp. Hồ Chí Minh với đội ngũ cán bộ, giảng viên và cơ sở vật chất đang trong quá trình xây dựng đạt chuẩn đào tạo đại học vào năm 2020.

Về đào tạo Đại học:

Sau bốn năm tuyển sinh đại học, hiện nay học viện đang đào tạo 1.600 sinh viên theo học các ngành Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh, Giới & Phát triểnLuật. Theo chiến lược phát triển học viện đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, lãnh đạo và cán bộ, giảng viên học viện quyết tâm xây dựng Học viên Phụ nữ Việt Nam trở thành một trung tâm đào tạo “định hướng ứng dụng” đạt chuẩn mực và có chất lượng cao. Các chương trình đào tạo cử nhân của HV hướng tới cung cấp đội ngũ nhân lực thực sự năng động, chuyên nghiệp, hội nhập, có thể tác nghiệp độc lập, hiệu quả trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các dự án phát triển kinh tế – xã hội cũng như các dịch vụ trợ giúp tại cộng đồng…

Về công tác Bồi dưỡng cán bộ:

Song song với đào tạo Đại học, nhiệm vụ chiến lược hàng đầu được Đảng, Nhà nước và TW Hội LHPN Việt Nam giao phó luôn được nhà trường chú trọng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp, cán bộ nữ cho hệ thống chính trị không chỉ được mở rộng, bao quát mà còn chuyên sâu đến các đối tượng chức danh cụ thể. Đặc biệt, với các học viên cán bộ nữ là người nước ngoài như cán bộ Hội Phụ nữ Lào, Campuchia, thì Học viện không chỉ là nơi bồi đắp kiến thức, tích lũy kinh nghiệm mà còn là điểm hẹn giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và nước bạn.

Về nhiệm vụ Nghiên cứu khoa học:

Là đầu mối hoạt động khoa học và công nghệ của TW Hội LHPN Việt Nam, hàng năm, Học viện trực tiếp tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đồng thời hỗ trợ, tư vấn cho các ban chuyên môn của Trung ương Hội và các cấp Hội về kỹ năng và phương pháp nghiên cứu. Các đề tài khoa học do Học viện thực hiện đóng góp quan trọng vào việc rà soát, cung cấp căn cứ lý luận và thực tiễn cho Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ xây dựng, triển khai và tổng kết các văn bản quan trọng về công tác phụ nữ; phản biện xã hội, đóng góp ý kiến vào hàng trăm dự thảo văn bản chính sách, văn bản luật và dưới luật; phục vụ công tác bồi dưỡng cán bộ Hội, cán bộ nữ của Học viện.

Về hoạt động Hợp tác quốc tế:

Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn xác định hợp tác quốc tế là động lực tạo sự bứt phá trong phát triển các nguồn lực phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Hiện nay, Học viện đã có quan hệ hợp tác thường xuyên với hơn gần 20 cơ sở giáo dục, nghiên cứu, tổ chức nước ngoài tại Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Nhật, Hà Lan, Thái Lan, Anh, Đức, Philipin…Hàng năm đón nhiều chuyên gia quốc tế đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội có uy tín trên thế giới đến trao đổi khoa học, kinh nghiệm với cán bộ, giảng viên và sinh viên của Học viện.

Giám đốc Trần Quang Tiến hi vọng rằng thông qua buổi làm việc, học viện sẽ được lắng nghe những ý kiến đóng góp, định hướng của lãnh đạo hiệp hội nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động mọi lĩnh vực trong thời gian tới.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chúc mừng những thành công của học viện dựa trên nền tảng xây dựng và phát triển của Trường Cán bộ Phụ nữ TW. Xác định mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ, Phó chủ tịch Hiệp hội cho rằng học viện cần có phương án cụ thể, lộ trình thực hiện việc đẩy mạnh nâng cao năng lực cho phụ nữ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo nữ từ trung ương đến địa phương. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng bộ giáo trình tự học hoặc đào tạo tại chỗ cho học viên nữ; đào tạo kỹ năng cho học viên nữ; Tập trung đào tạo đối tượng phụ nữ tham chính; Chú trọng  thực hiện các công trình nghiên cứu Bình đẳng giới…

Các đại biểu của hiệp hội và học viện đã dành thời gian để cùng trao đổi thêm về chiến lược phát triển học viện, những khả năng liên kết, hỗ trợ của hiệp hội dành cho học viện như kiểm định chất lượng, tư vấn mở ngành đào tạo, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và hợp tác giữa các thành viên thuộc hiệp hội.

Kết thúc buổi làm việc, TS. Trần Quang Tiến đã đưa đoàn đi tham quan không khí học tập của sinh viên và cơ sở vật chất của học viện.

Hi vọng rằng, việc trở thành hội viên của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ giúp Học viện Phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong hoạt động giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, hợp tác quốc tế; bảo vệ quyền lợi chính đáng của học viện; có điều kiện tư vấn, phản biện xã hội đối với các dự thảo chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đến phát triển giáo dục đại học nước nhà và ngày càng khẳng định vị trí của mình trong làng đại học Việt Nam.