Khoa Công tác xã hội là Khoa chuyên ngành có thời gian hình thành và phát triển  lâu nhất tại Học viện. Đơn vị tiền thân đầu tiên được thành lập từ năm 1971 với tên gọi là Khoa Nghiệp vụ Phụ vận, trải qua các giai đoạn phát triển của Trường Cán bộ Phụ nữ TW với nhiều tên gọi khác nhau, đến năm 2012 chính thức đổi tên thành Khoa Công tác xã hội.

Năm 2013, Công tác xã hội Khoa bắt đầu đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội, đến nay đã được 7 khóa với hơn 1.000 sinh viên hệ đại học chính quy, trong đó, 420 sinh viên khóa 1, 2 và 3 đã tốt nghiệp ra trường, có việc làm. Ngoài ra, Khoa cũng đã đào tạo công tác xã hội theo chương trình liên thông từ trung cấp và cao đẳng lên đại học. Đây là các lớp dành cho những người đã tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng có nhu cầu học đại học. Số lượng học viên tốt nghiệp chương trình này là gần 200.  Hiện tại, Khoa bắt đầu đào tạo trình độ thạc sĩ công tác xã hội khóa 1.

Khoa hiện là thành viên của Hiệp hội dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam, thành viên các trường đào tạo nghề công tác xã hội thế giới (ISSAW).

Về chức năng, nhiệm vụ:

– Đào tạo thạc sĩ, cử nhân ngành công tác xã hội

            – Giảng dạy các học phần chuyên ngành công tác xã hội cho các ngành đào tạo khác của Học viện

            – Giảng dạy các lớp bồi dưỡng, tập huấn, nói chuyện chuyên đề liên quan đến ngành công tác xã hội cho các cơ quan, tổ chức và các lớp do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức

– Nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ công tác đào tạo; tham gia thực hiện các đề án; hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học…

– Quản lý sinh viên, học viên chuyên ngành.

Về cơ cấu tổ chức và đội ngũ giảng viên, cộng tác viên

Khoa có hai bộ môn cơ sở ngành và công tác xã hội chuyên ngành với đầy đủ các học phần đáp ứng chuẩn đầu ra của ngành công tác xã hội.

Khoa hiện có 9 giảng viên và 1 viên chức trợ lý Khoa được đào tạo cơ bản tại các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước, có năng lực chuyên môn, phương pháp và kinh nghiệm giảng dạy tốt, có khả năng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Có 1/9 giảng viên cao cấp, 1/9 giảng viên chính, 6/9 giảng viên.  Có 1 phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 4 thạc sĩ (1 đang nghiên cứu sinh); 01 cử nhân (đang học cao học).

Khoa có 25 giảng viên thỉnh giảng và cộng tác viên là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên chính, thạc sĩ…có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn, hiện đang công tác tại: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Học viện Hành chính quốc gia, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Lao động – Xã hội, Đại học Thăng Long, Đại học Công đoàn, Đại học Thủ đô, Đại học Y tế công cộng, Học viện Khoa học xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Cao đẳng Sư phạm Trung ương… và các Viện nghiên cứu tham gia giảng dạy, chia sẻ thông tin về ngành đào tạo.

Ngoài ra, Khoa còn có một đội ngũ cộng tác viên dày dạn kinh nghiệm thực tiễn từ các Trung tâm Bảo trợ xã hội 1, 3, 4 tại Thành phố Hà Nội; tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Giang, Thanh Hóa; Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc; Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái, Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái; Cơ sở Cai nghiện ma túy số 02; Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An; Trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi và trẻ em Thụy An, Làng trẻ em SOS, Lãng Trẻ em Birla, Tổ chức Trẻ em Rồng xanh…tham gia hỗ trợ sinh viên kiến tập, thực hành, thực tập nghề.

Định hướng phát triển:

             -Về học hàm, học vị: dự kiến 100% trình độ thạc sĩ; tăng thêm 02 tiến sĩ và 01 phó giáo sư.

            – Về đội ngũ giảng viên thỉnh giảng: tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng trình độ cao để nâng cao chất lượng giảng dạy đại học và sau đại học ngành công tác xã hội.

            – Duy trì mối quan hệ với các cơ sở thực hành hiện có và mở rộng thêm mối quan hệ với các cơ sở thực hành mang mô hình quốc tế, phi chính phủ… để sinh viên có môi trường thực hành đa dạng, hiệu quả.

            – Về quy mô đào tạo: tiếp tục duy trì và phát triển cả trình độ đại học, sau đại học theo chỉ tiêu định hướng của Học viện.

            – Về chất lượng đào tạo: đẩy mạnh phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, chú trọng thực hành nghề, cập nhật thường xuyên thông tin, chính sách, kiến thức để nâng cao chất lượng đào tạo.

            – Về nghiên cứu khoa học: tăng số lượng đề tài nghiên cứu tập thể, cá nhân cấp Học viện; đề xuất đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp nhà nước. Nâng cao chất lượng của đề tài đang thực hiện và tiếp tục duy trì, phát huy tinh thần nghiên cứu khoa học của sinh viên. Tổ chức và phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế liên quan đến ngành đào tạo

            – Về sản phẩm khoa học: tiếp tục biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu; công bố các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, trên các kỷ yếu hội thảo quốc gia và quốc tế, đặc biệt các bài viết đăng trên tạp chí có chỉ số ISI Scopus…