70% sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp

Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học đào tạo đa ngành. Tuy nhiên, trường vẫn có những ngành đặc thù, mang bản sắc của Học viện Phụ nữ Việt Nam, gắn với mục tiêu, triết lý giáo dục mà trường theo đuổi, như các ngành Giới và phát triển, Công tác xã hội, Tâm lý học. Với những thay đổi trong xu hướng học nghề, học đại học hiện nay, một số ngành có nhu cầu học nhiều hơn được nhà trường đưa vào chương trình giảng dạy như: Luật, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị kinh doanh, Truyền thông đa phương tiện.

Do đặc thù của Học viện Phụ nữ Việt Nam nên ngành Công tác xã hội có những học phần đặc biệt nằm trong chương trình giảng dạy, nghiêng về vấn đề giải quyết đối với phụ nữ như: Công tác xã hội với nạn nhân mua bán, Công tác xã hội trong phòng chống bạo lực gia đình, Công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng khoa Công tác Xã hội của Học viện Phụ nữ Việt Nam, sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có vị trí việc làm đa dạng. Các em sẽ được làm trong các đơn vị, tổ chức của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại 63 tỉnh, thành; các đơn vị, tổ chức của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; các Sở Lao động Thương binh và Xã hội; các trung tâm công tác xã hội, trung tâm bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, theo đề án mới của chính phủ, các trường học sắp tới sẽ phải có một nhân viên công tác xã hội, điều này cũng mở thêm cơ hội việc làm cho sinh viên. Ngoài ra, sinh viên có thể làm việc trong các trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu, các tổ chức, dự án phi chính phủ.

Cùng quan điểm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, hiện học viện xây dựng mô hình giúp các sinh viên ra trường chủ động về việc làm. Sinh viên tốt nghiệp ngoài làm cho các tổ chức còn có thể tự khởi nghiệp. Do đó, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên được đào tạo kỹ năng, kiến thức cần thiết để khi ra trường có thể khởi nghiệp. Bản thân các sinh viên Công tác xã hội, Giới và phát triển, Tâm lý học nếu học tốt, tích lũy kinh nghiệm một thời gian thì có thể tự mở các trung tâm để hỗ trợ công tác xã hội cho cộng đồng. Theo thống kê mới nhất tại học viện, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường đạt 60-70%.

Sinh viên Học viên Phụ nữ Việt Nam

Thêm ngành mới, tăng chỉ tiêu tuyển sinh

Năm học 2020 – 2021, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tuyển sinh thêm ba ngành mới: Kinh tế, Tâm lý học và Luật Kinh tế. Do đó, trường dự kiến tuyển sinh 900 chỉ tiêu cho các ngành học (tăng thêm 200 chỉ tiêu so với năm 2019), bao gồm: Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Công tác xã hội, Luật, Luật Kinh tế, Kinh tế quốc tế, Tâm lý học, Giới và phát triển, Truyền thông đa phương tiện.

3 phương thức tuyển sinh

Phương án thứ nhất: Xét tuyển thẳng. Đối tượng xét tuyển bao gồm các thí sinh thuộc diện xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trở lên và môn thi học sinh giỏi phải thuộc tổ hợp xét tuyển của học viện; thí sinh tốt nghiệp cấp ba đạt loại giỏi trở lên; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh tương đương IELTS 5.5 và còn giá trị sử dụng đến thời điểm xét tuyển.

Phương án thứ hai, xét tuyển học bạ đối với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT có hạnh kiểm lớp 12 loại khá trở lên và tổ hợp xét tuyển ba môn của năm học lớp 12 phải có tổng điểm từ 18. Thí sinh tốt nghiệp trước năm 2020 có thể nộp học bạ, bản sao công chứng về Học viện Phụ nữ Việt Nam theo đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp. Thí sinh cũng có thể đăng ký xét tuyển online trên trang web của học viện. Sau khi hoàn thành việc đăng ký, học viện sẽ tổng hợp và phân tích về nguyện vọng và ngành học mà thí sinh mong muốn, sau đó hội đồng tuyển sinh sẽ thông báo kết quả trúng tuyển tới thí sinh trên trang web. Khi tới nhập học trực tiếp, thí sinh mới cần hoàn thiện hồ sơ của mình.

Phương án thứ ba, học viện xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi THPT năm 2020, thực hiện xét tuyển từ cao xuống thấp cho tới khi đủ chỉ tiêu.