Trong tiết trời se lạnh của buổi giao mùa, từ sáng sớm cả đoàn đã có mặt tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tại đây, không gian và lòng người đã hòa làm một, vẫn văng vẳng câu thơ tự hào dân tộc trong mỗi Đảng viên“ Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng Mười tháng Ba”.

Điểm đến đầu tiên của cuộc hành trình, đoàn đã dừng lại tại Chùa Thiên Quang và dâng hương tại Chùa. Chùa được xây dựng vào thời Trần đến thế kỷ XV xây dựng lại, thời Nguyễn chùa được đại trùng tu.Trước cửa chùa có cây Vạn tuế có tuổi gần tám trăm năm. Cũng nơi gốc cây này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ngồi làm việc trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội.

Sau đó, đoàn đã di chuyển theo các bậc thang lên Đền Hạ và đền Trung dâng hương. Đền Trung còn có tên là Hùng Vương Tổ miếu. Đền được xây dựng vào thời Lý – Trần với kiến trúc đơn sơ không có cột, kèo cầu quá giang cột trốn gối vào tường, mái lợp ngói mũi. Rời đền Hạ và đền Trung, cả đoàn tiếp tục cuộc hành trình tới Đền Thượng để dâng hương.Điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh. Tương truyền các vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ Thần lúa cầu mong cho mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn đã đến thắp hương tại Đền Giếng. Tương truyền đây là nơi hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con gái vua Hùng thứ 18 thường soi gương trải tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai nàng là người có công dậy dân trồng lúa, trị thủy nên nhân dân lập đền thờ.

Nơi đây, vào năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Đền Tổ Mẫu Âu Cơ được xây dựng trên đỉnh núi Vặn (Tên mỹ là tự là núi Ốc Sơn), nằm trong hệ thống “Tam sơn cấm địa” là núi Hùng, núi Trọc, núi Vặn. Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ là một công trình văn hoá lớn của thời đại chúng ta – con cháu các vua Hùng xây dựng nên, nhằm mục đích “quy tụ” và “hội tụ” văn hoá “Đền Hùng”. Đến dâng hương tại Đền, tất cả các thành viên trong đoàn đều trào dâng tình cảm thiêng liêng tới Tổ Mẫu Âu Cơ người mẹ huyền thoại của dân tộc Việt Nam

Cuối cùng, cả đoàn di chuyển và thắp hương tại Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân nằm trong quần thể kiến trúc của Di tích lịch sử Đền Hùng. Trong đền đặt tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân, tượng Lạc Hầu, Lạc Tướng được đúc bằng đồng. Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân tạo thành một quần thể kiến trúc cảnh quan, góp phần bảo tồn, phát huy các truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Kết thúc cuộc hành trình, tất cả các thành viên của đoàn đều mang trong mình nhiều cảm xúc thiêng liêng quý giá. Đó là những cảm xúc của những người con được tìm về nguồn cội của mình, nơi các vua Hùng, tổ Mẫu dựng xây đất nước, khai sinh hình sông thế núi. Đó là sự trân trọng, biết ơn, sự tự hào với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam từ thưở khai sinh từ đó hình thành lòng quyết tâm đóng góp một phần nhỏ bé để cùng tôn tạo, giữ gìn và phát triển quê hương.