Tới dự hội thảo có Bà Nguyễn Thị Hằng – Nguyên Bộ Trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam; ông Nguyễn Hải Hữu – Phó chủ tịch Hiệp hội; bà Nguyễn Thị Hiền – đại diện Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục& Đào tạo; đại biểu đại diện các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và các phòng giáo dục quận, huyện nhiều tỉnh/ thành; các giáo viên mầm non các trường thực hành và sinh viên Khoa Giáo dục Mầm non của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, PGS.TS Trần Đình Tuấn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm TW đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lứa tuổi mầm non và mục đích, ý nghĩa của hội thảo. Ông mong muốn rằng Hôi thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến quí báu từ các đại biêu, các thầy cô giáo về dự hội thảo, vì sự nghiệp giáo dục mầm non, vì sự phát triển của trẻ thơ.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận xoay quanh các chủ đề như: “Huy động cộng đồng tham gia chăm sóc giáo dục trẻ mầm non” của đại biểu đến từ Viện Khoa học giáo dục; tham luận: “Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng vì sự phát triển trẻ mầm non” của đại biểu Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương; tham luận: “Gắn kết cộng đồng trong sự phát triển trẻ em miền núi” của đại biểu đến từ phòng Giáo dục huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh; tham luận: “Kết nối cộng đồng vì sự phát triển của trẻ mầm non trong kỷ nguyên số” của đại biểu đại diện cho Tổng Công ty Cổ phần Phát triển giáo dục IGarten…
Đại diện cho Khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam, TS. Bùi Thị Mai Đông đã trình bày tham luận: “Công tác chăm sóc trẻ em mầm non có hoàn cảnh đặc biệt từ thực tiễn một số cơ sở Bảo trợ xã hội và trung tâm Công tác xã hội”. Bài tham luận phản ánh thực trạng mô hình chăm sóc thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, Hà Nội, Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh. Nội dung bài tham luận cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với nhóm trẻ em có HCĐB, tuy nhiên các mô hình chăm sóc thay thế hiện đang gặp nhiều khó khăn và còn có những hạn chế như: Tại các cơ sở chăm sóc thay thế tập trung, việc chăm sóc trẻ mầm non chủ yếu là cho trẻ ăn, uống đầy đủ, khám sức khỏe định kỳ, nhưng các hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần và phát triển năng khiếu ít được quan tâm. Nhiều nhân viên hợp đồng chưa được đào tạo chuyên môn; phương pháp giáo dục trẻ chưa khoa học… Có thể nói, các mô hình chăm sóc này chưa thực sự thay thế cho gia đình trẻ, chưa tạo môi trường để trẻ phát triển tốt cả về thể chất và tâm lý.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng đã đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của hội thảo và các bài tham luận, nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay và sự cần thiết phải huy động, gắn kết cộng đồng với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ mầm non. Bà cho rằng, xã hội không chỉ cần quan tâm đào tạo những giáo viên mầm non có đủ kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ mà còn phải đào tạo những người giúp việc gia đình; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục con cho các bậc cha mẹ, đặc biệt là cha mẹ có con trong độ tuổi mầm non.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu. Các đại biểu đã thảo luận khá sôi nổi về các hoạt động gắn kết cộng đồng của các trường, cơ sở giáo dục mầm non trong việc việc bảo vệ trẻ mầm non khỏi bị xâm hại, khỏi môi trường sống độc hại và khỏi tác động xấu của các kênh truyền thông qua mạng internet; trao đổi về các giải pháp mà các phòng giáo dục, các trường mầm non, các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non cần phải làm để gắn kết hơn nữa cộng đồng với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ mầm non.