Cả nước hiện có khoảng 40 trường đại học, cao đẳng, mỗi năm tuyển sinh khoảng 2.000 sinh viên ngành Công tác xã hội. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên công tác xã hội có bằng tiến sĩ và thạc sĩ còn ít, chỉ khoảng 30- 40 người, thậm chí có trường chưa có giảng viên nào. Trong cả nước có một số trường đại học, viện đào tạo thí điểm thạc sĩ Công tác xã hội, nhưng số lượng cung chưa đủ cầu. Nắm bắt được xu thế chung đó, Ban Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo Khoa Công tác xã hội xây dựng dự thảo chương trình đào tạo thạc sĩ ngành công tác xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Chương trình đào tạo thạc sỹ chuyên ngành CTXH được xây dựng theo định hướng thực hành phù hợp với năng lực, điều kiện và định hướng phát triển của Học viện Phụ nữ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Sau khi chuẩn bị xong bản dự thảo chương trình đào tạo thạc sĩ ngành CTXH, vào lúc 15h ngày 16/03/2018, Khoa Công tác xã hội đã tổ chức Hội nghị Thẩm định chương trình đào tạo thạc sĩ ngành CTXH.
Mục đích của hội thảo nhằm ghi nhận những đánh giá, góp ý, bổ sung để sữa chữa, hoàn thiện chương trình đào tạo thạc sĩ ngành CTXH từ các chuyên gia đầu ngành về CTXH như PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Nguyên phó khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN – Chủ trì hội thảo, TS. Nguyễn Hải Hữu – Chủ tịch Hiệp hội CTXH Việt Nam, TS. Hà Thị Thư – Quyền Trưởng khoa CTXH, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, TS. Nguyễn Trung Hải – Phó Khoa Công tác xã hội, ĐH Lao Động Xã hội…. cùng thành viên Tổ soạn thảo chương trình và các giảng viên khoa CTXH.
Các thành viên đã thảo luận, bàn bạc sôi nổi để nhận xét, góp ý, phản biện dự thảo chương trình mà Khoa Công tác xã hội xây dựng, hướng đến xây dựng chương trình đáp ứng yêu cầu của Thông tư 09/2017/TT-BGDĐT ngày 04/04/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy trình điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ. Các thành viên Hội đồng quan tâm đến các yếu tố của chương trình như: định hướng đào tạo, mục tiêu, số học phần, số tín chỉ, sự phù hợp của các học phần với định hướng đào tạo, kết cấu và nội dung của các đề cương học phần,…
TS. Nguyễn Hải Hữu cho rằng chương trình đào tạo thạc sĩ CTXH do Khoa CTXH xây dựng đã đúc rút được kinh nghiệm từ các chương trình đào tạo thạc sĩ CTXH của các cơ sở đào tạo đi trước như: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, ĐH Lao Động xã hội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thăng Long,… Chương trình có nhiều điểm hợp lý, đặc biệt có nhiều môn học mang tính đặc thù của Học viện Phụ nữ Việt Nam như các môn liên quan đến phụ nữ, giới. TS. Nguyễn Hà Thư thì chú ý đến số tín chỉ chuẩn mà Khoa CTXH xây dựng trong chương đào tạo, bà cho rằng cần phải xem kỹ các thông tư của Bộ Giáo dục và đào tạo để xây dựng phù hợp. TS. Nguyễn Trung Hải lại quan tâm đến các đề cương chi tiết, cần phải xem lại khối lượng và nội dung kiến thức các học phần, vì có những nội dung trùng lặp với chương trình đào tạo cử nhân CTXH,…
Sau thời gian làm việc nghiêm túc với nhiều ý kiến đánh giá của thành viên hội đồng PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà đã đi đến kết luận: Dự thảo chương trình đào tạo thạc sĩ CTXH của Khoa CTXH đáp ứng yêu cầu, đề nghị thông qua. Tuy nhiên cần phải chỉnh sửa một số phần liên quan đến định hướng đào tạo, cần có sự tương thích giữa chương trình và đề cương chi tiết các học phần, cân nhắc các học phần sẽ đưa vào chương trình đào tạo,…
Hội nghị thẩm định chương trình đào tạo thạc sĩ ngành CTXH đã kết thúc vào lúc 17h30 cùng ngày.