Khoa Công tác xã hội tổ chức đợt thực hành cá nhân và nhóm cho sinh viên khoá 11 ngành Công tác xã hội

Trong chương trình đào tạo của ngành Công tác xã hội, hoạt động thực hành là hoạt động thường niên nhằm tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận thực tế, vận dụng kiến thức đã học trong môi trường làm việc thực thụ như một nhân viên công tác xã hội. Đợt thực hành này của sinh viên khoá 11 diễn ra từ ngày 05/5 đến ngày 01/6/2025 tại hai cơ sở chính là Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Bảo trợ xã hội 01, Ba Vì, Hà Nội.

Nhóm sinh viên thực hành tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh

Nhóm sinh viên được phân công thực hành tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 01

Tham gia đợt thực hành có 59 sinh viên khoá 11, trong đó 29 sinh viên được phân công về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh do TS. Nguyễn Văn Vệ phụ trách; 30 sinh viên còn lại thực hành tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 01, Ba Vì, Hà Nội dưới sự hướng dẫn trực tiếp của TS. Nguyễn Văn Thanh. Đây là hai cơ sở thực hành uy tín, đã có nhiều năm kinh nghiệm trong tiếp nhận sinh viên thực tập và tổ chức các hoạt động trợ giúp xã hội cho nhóm đối tượng yếu thế.

Trong buổi đón tiếp đoàn sinh viên, Ban Giám đốc của cả hai trung tâm đã trực tiếp có mặt, thể hiện sự quan tâm, đồng hành cùng sinh viên. Tại đây, sinh viên được nghe Ban Giám đốc giới thiệu khái quát về chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ cũng như các hoạt động chính tại đơn vị. Phần giới thiệu này giúp sinh viên hiểu rõ hơn về môi trường thực hành và định hướng cho quá trình làm việc tại cơ sở.

 

Trước khi bắt đầu chương trình thực hành, vào ngày 29/4/2025, sinh viên đã được hướng dẫn nội dung lý thuyết và triển khai kế hoạch trên lớp. TS. Nguyễn Văn Vệ phụ trách phần hướng dẫn công tác xã hội cá nhân, TS. Nguyễn Văn Thanh đảm nhiệm hướng dẫn công tác xã hội nhóm. Buổi học lý thuyết đóng vai trò quan trọng trong việc giúp sinh viên hiểu rõ yêu cầu, phương pháp, và chuẩn bị tốt về mặt kỹ năng, tâm thế trước khi bước vào môi trường thực tế.

Trong thời gian thực hành, sinh viên sẽ tiến hành triển khai hai nội dung chính. Đối với công tác xã hội cá nhân, sinh viên lựa chọn một thân chủ phù hợp tại cơ sở, tiến hành đánh giá hoàn cảnh, xác định nhu cầu hỗ trợ và xây dựng kế hoạch can thiệp. Quá trình làm việc với thân chủ diễn ra liên tục trong suốt đợt thực hành, với yêu cầu cụ thể về ghi chép diễn biến, phản hồi kết quả, và điều chỉnh phương án hỗ trợ phù hợp với tình trạng thực tế của từng trường hợp.

Song song với đó, nội dung công tác xã hội nhóm yêu cầu sinh viên xây dựng một chương trình hoạt động nhóm dành cho đối tượng cụ thể tại cơ sở. Sinh viên sẽ phải xác định mục tiêu của nhóm, lên kế hoạch tổ chức buổi sinh hoạt, thực hiện hoạt động nhóm như chia sẻ, giáo dục kỹ năng sống,… Quá trình này đòi hỏi sinh viên không chỉ có khả năng lãnh đạo, tổ chức mà còn phải thể hiện được sự linh hoạt, sáng tạo và khả năng đồng cảm – những phẩm chất thiết yếu của người làm nghề công tác xã hội.

Chia sẻ về quá trình hướng dẫn, TS. Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Thực hành nghề là một bước quan trọng, không thể thiếu trong quá trình đào tạo ngành công tác xã hội. Qua những trải nghiệm trực tiếp tại cơ sở, sinh viên không chỉ kiểm nghiệm lại kiến thức lý thuyết mà còn học cách thích nghi với các tình huống thực tế, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và bồi đắp tinh thần trách nhiệm xã hội.”

Đợt thực hành không chỉ giúp sinh viên khóa 11 trưởng thành hơn về mặt chuyên môn mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín của Khoa Công tác xã hội trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực công tác xã hội. Đồng thời, hoạt động này cũng thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam và các đơn vị thực hành, tạo tiền đề cho những đợt thực tập chuyên sâu trong tương lai.