Năm 2010, Đề án phát triển Công tác xã hội được Chính phủ phê duyệt (Đề án 32) đã tạo ra động lực to lớn để công tác xã hội ở Việt Nam phát triển, trong đó có hoạt động đào tạo.
Tính đến năm 2012, cả nước có trên 40 trường Đại học, Cao đẳng đào tạo Công tác xã hội, trong đó có thể kể đến các trường lớn và có uy tín như: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), Đại học mở Bán công TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Lao động – Xã hội… Tuy nhiên, hoạt động đào tạo ở các trường có nhiều khác biệt, từ chương trình môn học đến cách thức đào tạo, triển khai thực hành, thực tập hay hệ thống giáo trình, tài liệu. Giữa các trường đào tạo Công tác xã hội có rất ít sự liên kết hay chia sẻ với nhau trong công tác đào tạo. Điều này nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển thống nhất của việc đào tạo nói riêng và hoạt động Công tác xã hội nói chung. Do đó, nhu cầu thành lập một Hiệp hội các trường đào tạo Công tác xã hội được đặt ra.
Xuất phát từ những lý do trên, sáng nay ngày 07/6/2013, Tọa đàm Xây dựng mạng lưới các trường đào tạo Công tác xã hội đã được diễn ra tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN).
Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của các biểu đến từ Hội nghề Công tác xã hội Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng đại diện các tổ chức, các trường Đại học/Học viện trong cả nước như: ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), ĐH Lao động – Xã hội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Vinh, ĐH Hồng Đức, Học viện Báo chí Tuyên truyền… Trong đó, Học viện Phụ nữ Việt Nam có 02 đại biểu tham dự là đ/c Đoàn Thị Thanh Huyền (Phó khoa CTXH) và đ/c Nguyễn Văn Vệ (GV Khoa CTXH).
Tại tọa đàm, dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa (Chủ nhiệm khoa Xã hội học – ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN) các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, có chất lượng về các vấn đề liên quan đến việc thành lập Mạng lưới các trường đào tạo Công tác xã hội ở Việt Nam (gọi tắt là Mạng lưới) như: Xây dựng đề án thành lập Mạng lưới; Thiết kế các hoạt động cụ thể dựa trên lộ trình thời gian từng năm để tiến tới thành lập Mạng lưới; Giới thiệu về trang web Mạng Công tác xã hội Việt nam và kế hoạch phát triển trang web giai đoạn 2013-2017.
Cũng tại tọa đàm, các đại biểu đã có dịp trao đổi các thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo, giảng dạy và tổ chức thực hành Công tác xã hội. Qua đây, tọa đàm đã xây dựng được Danh bạ của hơn 40 trường Đại học, cao đẳng đào tạo Công tác xã hội ở Việt Nam.
Tọa đàm cũng là nơi chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và duy trì mạng lưới của Mỹ và Canada do Giáo sư Lan Trần Giễn (ĐH Memorial – Canada) và TS. Nguyễn Ngọc Hường (ĐH South Carolina – Mỹ) chia sẻ.
Để góp phần phát triển Công tác xã hội ở Việt Nam, bà Lan Trần Giễn còn dành các suất học bổng trị giá 500USD/suất cho Học viên cao học lớp Công tác xã hội là giảng viên của các trường trong cả nước có kết quả học tập tốt. Trong số các Học viên được nhận học bổng lần này có đ/c Nguyễn Văn Vệ – Giảng viên khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ngoài giá trị vật chất, học bổng còn là sự ghi nhận nỗ lực học tập, cống hiến của các giảng viên trẻ vào sự phát triển Công tác xã hội ở nước ta.
Tọa đàm đã kết thúc với sự cam kết đồng thuận của các đại biểu tham dự về nỗ lực tiến hành các hoạt động để chuẩn bị thành lập Mạng lưới các trường Đào tạo Công tác xã hội.
Đây là một bước tiến quan trọng góp phần vào sự phát triển chuyên nghiệp của Công tác xã hội ở Việt Nam đồng thời tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau giữa các trường Đại học, Cao đẳng có đào tạo về Công tác xã hội trong cả nước.