Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Thuận, Giám đốc dự án phát triển giáo dục công tác xã hội Việt Nam đã đánh giá về sự phát triển nghề Công tác xã hội nói chung và vai trò của công tác xã hội trong lĩnh vực thảm họa nói riêng. Theo bà, nghề công tác xã hội ở Việt Nam đã được chính thức công nhận từ năm 2010 cùng với Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Qua 6 năm thực hiện, Đề án đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên cũng còn những khó khăn nhất định, trong đó vấn đề nhận thức chung của xã hội về vai trò, nhiệm vụ và sự cần thiết của công tác xã hội trong các lĩnh vực đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực thiên tai, thảm họa còn rất hạn chế. Mặc dù những năm gần đây Việt Nam đã và đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do những thảm họa thiên tai như bão, lũ, hỏa hoạn, hạn hán… gây ra, nhưng hầu hết các cơ sở đào tạo và thực hành công tác xã hội chưa được tập huấn về công tác xã hội trong lĩnh vực này. Đồng thời, việc sử dụng và phát huy vai trò của nhân viên công tác xã hội trong quá trình ứng phó và giảm nhẹ tác động, ảnh hưởng của thảm họa thiên tai chưa được quan tâm đúng mực.
Trước khi trao đổi về nội dung tập huấn, PGS.TS. Timothy Sim cũng có những chia sẻ ý kiến về việc phát triển lĩnh vực Công tác xã hội trong thảm họa, thiên tai ở Việt Nam đang rất mới mẻ và cần thiết, trong đó cần có những hoạt động đánh giá trước và sau thảm họa; các hoạt động can thiệp của công tác xã hội trong việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề sau thiên tai, thảm họa muốn đạt hiệu quả tốt cần được tiếp cận dựa trên nguyên tắc liên ngành và xuyên ngành. Trong đó, trẻ em là đối tượng cần được đặc biệt quan tâm trong việc can thiệp sau thảm họa, đảm bảo an toàn và ngăn chặn hành vi xâm hại có thể xảy ra. Bên cạnh đó, trong những hoạt động hỗ trợ của công tác xã hội cần dựa vào năng lực hiện có của cộng đồng, giảm thiểu tối đa những tác động xấu có thể xảy đến tiếp theo cho người dân.
Trong hai ngày tập huấn các học viên được trang bị các kiến thức cơ bản về công tác xã hội trong lĩnh vực thiên tai, thảm họa; đánh giá sang chấn trước thảm họa; các nguyên tắc đạo đức của nhân viên công tác xã hội trong khi làm việc với nạn nhân của thảm họa; mô hình hỗ trợ cho nạn nhân của thảm họa;…Với những chia sẻ thực tế từ phía giảng viên đã giúp cho người học có cái nhìn toàn diện và mới mẻ về vai trò của công tác xã hội trong lĩnh vực thiên tai, thảm họa. Đây sẽ là tiền đề để xây dựng và phát triển lĩnh vực công tác xã hội trong thiên tai, thảm họa ở Việt Nam.
Học viên nhận chứng chỉ sau khóa tập huấn