Khoa Công tác xã hội tổ chức Hội thảo “Công tác xã hội trong giải quyết các vấn đề xã hội”

Đây là hoạt động thường niên có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, đồng thời tạo không gian học thuật để chia sẻ các góc nhìn đa chiều về những vấn đề xã hội đương đại. Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Thị Thu Hường – Phó trưởng Khoa, Khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam, các giảng viên và sinh viên các khóa 10, 11, 12 ngành Công tác xã hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thu Hường cho rằng chương trình Hội thảo đề cập đến nhiều nội dung mới về vai trò của công tác xã hội trong giải quyết các vấn đề xã hội. Nội dung Hội thảo rất bổ ích cho việc dạy, nghiên cứu và học tập của giảng viên và sinh viên khoa Công tác xã hội. Thông qua hội thảo, sinh viên hiểu hơn về các hoạt động can thiệp của công tác xã hội, đồng thời thúc đẩy hơn nữa đam mê nghiên cứu khoa học.

TS. Nguyễn Thị Thu Hường – Phó trưởng Khoa, Khoa Công tác xã hội phát biểu tại hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo, 5 tham luận tiêu biểu đã được trình bày và nhận được nhiều sự quan tâm, thảo luận từ các đại biểu, cụ thể:

  1. Vai trò của nhân viên công tác xã hội trong việc giải quyết vấn đề của người khuyết tật – do sinh viên Nguyễn Thị Diệu Linh lớp K10CTXH trình bày, phân tích vai trò can thiệp, hỗ trợ của nhân viên xã hội trong nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật thông qua các chính sách và dịch vụ xã hội.
  2. Tổng quan các nghiên cứu liên quan đến lối sống thực dụng của sinh viên – do nhóm sinh viên Nguyễn Khánh Huyền, Trần Thu Trà, Nguyễn Hoàng Ngọc lớp K11CTXH thực hiện, tập trung đánh giá nguyên nhân, biểu hiện và hệ lụy của lối sống thực dụng trong giới trẻ hiện nay, từ đó đề xuất định hướng can thiệp của công tác xã hội.
  3. Thực trạng và nguyên nhân của áp lực đồng trang lứa ở học sinh trung học cơ sở – nhóm sinh viên Hoàng Trần Minh, Trần Thị Thùy Trang, Lò Thị Thu Văn lớp K11CTXH chia sẻ kết quả tổng quan tài liệu, chỉ ra ảnh hưởng tiêu cực của áp lực đồng trang lứa đến tâm lý và hành vi học sinh.
  4. Vấn đề bất bình đẳng và công bằng xã hội hiện nay – tham luận của sinh viên Nguyễn Tuyết Nhi lớp K12CTXH đặt ra những câu hỏi lớn về phân tầng xã hội, sự tiếp cận không đồng đều các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa và chuyển đổi số.
  5. Thực trạng ngại giao tiếp xã hội ở sinh viên – nhóm sinh viên Lê Phương Lam, Dương Tuyết Mai, Nguyễn Kim Phương Anh lớp K11CTXH trình bày đã phân tích nguyên nhân, biểu hiện và hệ quả của hiện tượng ngại giao tiếp xã hội trong giới trẻ, một vấn đề đang ngày càng phổ biến trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ.

Mỗi tham luận không chỉ thể hiện sự đầu tư nghiêm túc trong quá trình nghiên cứu mà còn cho thấy năng lực học thuật, khả năng trình bày và phản biện khoa học ngày càng vững vàng của sinh viên ngành Công tác xã hội. Không khí hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi, trao đổi từ phía người tham dự, góp phần làm sáng tỏ thêm nội dung của từng đề tài cũng như mở rộng hướng tiếp cận vấn đề.

Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp, mở ra các cơ hội nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan về công tác xã hội; phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học của sinh viên. Các đại biểu tham dự đều đánh giá cao chất lượng các báo cáo cũng như tinh thần cầu thị, đam mê nghiên cứu của sinh viên.

Có thể khẳng định, Hội thảo là một hoạt động học thuật thiết thực, không chỉ góp phần nâng cao kỹ năng nghiên cứu và tư duy phản biện cho sinh viên mà còn khẳng định vai trò quan trọng của công tác xã hội trong việc giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết hiện nay. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho sự đồng hành, định hướng và khích lệ kịp thời của đội ngũ giảng viên trong hành trình trưởng thành của sinh viên Khoa Công tác xã hội.