Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi đã đánh giá khái quát về kết quả thực hiện Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng giai đoạn 2016 – 2020. Theo ông, việc phát triển nghề Công tác xã hội đã và đang rất mạnh, đòi hỏi việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển nghề Công tác xã hội là cần thiết và phù hợp. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển hơn những lĩnh vực chuyên sâu về công tác xã hội với phụ nữ, công tác xã hội trong trường học, công tác xã hội với người lao động,…; tiếp tục xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội theo loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ. Để thực hiện được những mục tiêu đó cần những giải pháp cụ thể như: rà soát, bổ sung, sửa đổi và xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nghề công tác xã hội, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm phát triển nghề công tác xã hội; các trường đào tạo công tác xã hội cần tập trung chuyên sâu theo các lĩnh vực thế mạnh và đặc thù; thực hiện nghiên cứu khoa học kết hợp đánh giá thực tiễn để đưa ra những định hướng mới cho phù hợp với tình hình phát triển nghề công tác xã hội hiện nay.
Phát biểu định hướng về phát triển công tác xã hội trường học, ông Dương Văn Bá đã chỉ ra những vấn đề của học sinh, sinh viên trong trường học hiện nay bao gồm học sinh khó khăn, yếu thế, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt; vấn đề bạo lực học đường; vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong các trường học…Từ những vấn đề cấp bách, định hướng hướng cho việc phát triển công tác xã hội trường học ở Việt Nam đã chỉ rõ: các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai dịch vụ công tác xã hội trường học; ban hành văn bản của Chính phủ quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; chỉ đạo các Nhà trường tập trung đẩy mạnh công tác tư vấn, tham vấn học đường, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội trường học…
Hội thảo đã được nghe nhiều tham luận liên quan đến sự cần thiết và cấp bách phải phát triển lĩnh vực công tác xã hội trường học. TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội đã quan tâm đến vấn đề phát triển tham vấn học đường và đề xuất mô hình công tác xã hội trong trường học ở Việt Nam hiện nay. TS. Nguyễn Hiệp Thương, Trưởng Khoa Công tác xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội cũng chỉ ra sự cần thiết và những khó khăn trong việc phát triển mô hình công tác xã hội trường học hiện nay…
Cùng với các tham luận, đại biểu tham dự cũng đã trao đổi làm rõ hơn định hướng và bước đi cho việc phát triển lĩnh vực chuyên sâu công tác xã hội trường học tại các trường đại học cao đẳng và trung học phổ thông hiện nay. Trên cơ sở kết quả hội thảo cho thấy việc phát triển những lĩnh vực chuyên sâu về công tác xã hội với phụ nữ, với trẻ em, với người cao tuổi của Học viện Phụ nữ Việt Nam là bước đi đúng hướng và phù hợp. Đồng thời, cũng là kinh nghiệm để phát triển công tác xã hội trường học trong những năm tới.