Với bản chất đa chiều của chính sách trợ giúp xã hội, quá trình đổi mới công tác hoạch định, thiết kế và thực thi chính sách trợ giúp xã hội cần sự phối hợp toàn diện của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, tổ chức.

Chính vì vậy, ngày 18 tháng 8 năm 2015, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, thương binh và xã hội và UNDP Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn: “Xây dựng và thực hiện chính sách trợ giúp xã hội” tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Mục tiêu của Hội nghị tập huấn bao gồm:

–         Chia sẻ thông tin, nâng cao và thống nhất nhận thức về các vấn đề cốt lõi của trợ giúp xã hội; về khái niệm và phạm vi của trợ giúp xã hội trong hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam.

–          Trao đổi về các kinh nghiệm quốc tế liên quan đến đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội và khả năng vận dụng đối với Việt Nam; những bài học kinh nghiệm và khuyến nghị đối với công tác hoạch định xây dựng chính sách trợ giúp xã hội ở cấp quốc gia và địa phương ở Việt Nam.

Tham dự Hội nghị tập huấn có ông Bakhodir Burkhanop, Phó Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực an sinh xã hội và trợ giúp xã hội, các Đại biểu quốc hội, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đại diện các cơ quan, học viện, trường đại học như: Tổng cục thống kê, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Học viện chính trị hành chính quốc gia khu vực 3, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Chính sách và phát triển, trường Đại học lao động xã hội, trường đào tạo cán bộ thuộc Bộ Lao động, thương binh và xã hội…

 

Trong 5 ngày tham gia khóa tập huấn, các học viên đã được các chuyên gia củng cố tri thức về các khái niệm liên quan đến an sinh xã hội và trợ giúp xã hội, trao đổi về hệ thống an sinh xã hội và trợ giúp xã hội ở Việt Nam:

Trong gần 3 thập kỷ qua, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam ngày càng được củng cố và phát triển theo hướng đa tầng, mở rộng diện bao phủ về đối tượng tham gia, đa dạng hóa hình thức, quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt hơn quyền an sinh xã hội của người dân. Riêng trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, năm 2014 đã có hơn 2,6 triệu đối tượng xã hội, chiếm khoảng 3% dân số được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng bao gồm chủ yếu là các nhóm đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em, khoảng 40% dân số được cấp hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế.

Hệ thống chính sách về trợ giúp xã hội đã được đề cập đến trong rất nhiều các văn bản mang tính pháp lý cao như: Luật người cao tuổi; luật người khuyết tật, luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; luật phòng, chống HIV/AIDS; luật phòng, chống bạo lực gia đình; luật phòng, chống buôn bán người…..

Mặc dầu vậy, trong quá trình phát triển hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam vẫn không tránh khỏi những khiếm khuyết và bất cập, một trong số những vấn đề nổi cộm là:

1.      Bất cập về mặt chính sách với các biểu hiện như: Sự chồng chéo, manh mún, và thiếu tính liên kết với nhiều tầng nấc văn bản khác nhau, các quy định  thiếu tính công bằng, chậm sửa đổi, bổ sung.

2.      Bất cập về hệ thống đề xuất, và thực hiện chính sách: Các văn bản do nhiều cơ quan quản lý nhà nước đề xuất, việc điều chỉnh các lĩnh vực trợ giúp xã hội được lồng ghép trong nhiều văn bản khác nhau và mang nặng tính cảm tính, thiếu thực tế và không khả thi về nguồn lực.

3.      Bất cập về đối tượng thụ hưởng: Tình trạng bỏ sót, trùng lặp và độ bao phủ không đồng đều giữa các nhóm đối tượng; mức trợ cấp quá thấp chưa được cải thiện đáng kể; năng lực của cơ quan quản lý còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện, theo dõi và đánh giá chính sách.

Hội thảo tâp huấn cũng dành thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế, hướng dẫn thực hiện các kỹ năng, phương pháp xác định đối tượng, cách tính toán các chỉ số an sinh xã hội, xây dựng và đề xuất chính sách…

Với sự chuẩn bị và tổ chức công phu, nội dung phong phú và nghiêm túc, Hội thảo tập huấn “Xây dựng và thực hiện chính sách trợ giúp xã hội” đã góp phần nâng cao nhận thức của những nhà khoa học, các giảng viên từ các trường đại học, viện, học viện tham gia trong việc xây dựng và phát triển một hệ thống an sinh xã hội, trợ giúp xã hội giàu tính nhân văn, tối ưu hóa lợi ích của nhóm thụ hưởng, đồng thời có tính khả thi cao về quản lý và nguồn lực.