Tham dự lễ kỷ niệm, có các đồng chí: Nguyễn Thị Doan – Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng LĐ-TB và XH; đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và đại diện các Bộ, ngành, các cơ quan hữu quan, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia công tác trong lĩnh vực công tác xã hội.
Tham dự lễ kỉ niệm còn có sự hiện diện của bà Hoàng Thị Ái Nhiên – PCT thường trực Hội LHPN Việt Nam; TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam và cán bộ, giảng viên của khoa Công tác xã hội.
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, TS. Phạm Văn Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nghề công tác xã hội trước nhu cầu hội nhập và phát triển đồng thời kỳ vọng, trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm Ngày công tác xã hội thế giới lần thứ 18 sẽ là dịp để các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên trong lĩnh vực nghề công tác xã hội giao lưu, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm nhằm đưa ra các giải pháp thực tiễn trong việc phát triển nghề CTXH.
Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan nêu rõ: “Công tác xã hội là hoạt động mang tính chuyên nghiệp nhằm huy động mọi nguồn lực của cả cộng đồng để giải quyết các vấn đề phát sinh, bất bình đẳng; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và hạnh phúc của con người, vì tiến bộ, công bằng, phồn vinh của xã hội. Tại Việt Nam, công tác xã hội có ý nghĩa to lớn, là một trong những nhân tố bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững, đưa Việt Nam từ quốc gia đói nghèo vươn lên trở thành điểm sáng của thế giới về thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế, xã hội trong giai đoạn đổi mới đất nước hiện nay”.
Bộ trưởng Bộ LĐ TB & XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: “Để thúc đẩy nghề công tác xã hội phát triển chuyên nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới cần ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo môi trường pháp lí đồng bộ, toàn diện để phát triển nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; tổ chức lại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở giáo dục lao động xã hội theo hướng trở thành các Trung tâm công tác xã hội, hỗ trợ đối tượng sinh sống tại gia đình, cộng đồng; xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo và dạy nghề công tác xã hội, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ngành công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động công tác xã hội theo hướng khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia việc phát triển dịch vụ công tác xã hội, nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội”.
Hiện nay Công tác xã hội đã trở thành một nghề chuyên nghiệp, nó có vai trò quan trong, được nhà nước công nhận về pháp lý, được xã hội thừa nhận, nó trực tiếp tham gia giải quyết các hệ lụy, vấn đề xã hội, giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người, giảm bất bình đẳng và mâu thuẫn trong xã hội, mang lại niềm vui hạnh phúc, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển đất nước. Trong 90 triệu người Việt Nam hiện nay, theo các kết quả nghiên cứu, có gần tới 1/3 cần sự can thiệp hay trợ giúp xã hội ở các mức độ khác nhau. Việt Nam đang phải giải bài toán cân bằng giữa tốc độ tăng trưởng và những vấn đề xã hội nảy sinh. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB và XH, hiện cả nước có 408 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Số lượng cơ sở đào tạo chuyên ngành CTXH tăng nhanh với 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề. Các tỉnh, thành phố đã hình thành mạng lưới 80 nghìn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm CTXH ở các hội, đoàn thể các cấp, góp phần trợ giúp cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, việc làm để ổn định cuộc sống…
Học viện Phụ nữ Việt Nam đã có quá trình đào tạo CTXH chuyên ngành Công tác phụ nữ cho các đối tượng là cán bộ nguồn của Hội LHPN Việt Nam theo học hệ Trung cấp từ nhiều năm qua. Từ năm 2013, Học viện bắt đầu đào tạo ngành CTXH hệ Đại học chính quy với gần 500 sinh viên.
Tại lễ kỉ niệm, TS. Trần Quang Tiến đã vinh dự nhận cờ luân lưu đăng cai tổ chức kỉ niệm ngày CTXH thế giới lần thứ 19 từ lãnh đạo Trường Đại học Công Đoàn.
Tại lễ kỉ niệm, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tham gia các hoạt động như: Hội thảo chuyên đề Phát triển thực hành trong các trường đào tạo CTXH; Tham gia hội thi Dân vũ; Thể thao; Văn nghệ; Hội trại và đạt được các giải thưởng cụ thể là: Giải Nhất Kéo co; Giải Nhất đẩy gậy nam; Giải Nhì hội trại; Giải Nhì nhẩy bao bố; Giải ba Dân vũ; Giải Ba đẩy gậy nữ.
Ngày hội CTXH thế giới lần thứ 18 khép lại, Học viện Phụ nữ Việt Nam vinh dự đạt giải Nhất toàn đoàn trong tổng số hơn 20 đơn vị tham gia, đây sẽ là động lực, tiền đề để năm 2016 học viện sẽ tổ chức một lễ kỉ niệm ngày CTXH thế giới hoành tráng và thành công.