Từ hai ngành đào tạo của năm học đầu tiên (năm học 2012-2013) là ngành Quản trị kinh doanh và ngành Công tác xã hội; mới chỉ sau 3 năm đào tạo, Học viện Phụ nữ đã phát triển thêm 02 ngành học mới là ngành Luật và Giới &phát triển. Tổng số sinh viên 2 ngành của khóa 1 chỉ có hơn 500 em; đến nay số sinh viên của cả 3 khóa, 4 ngành học đã lên tới 1200 sinh viên. Năm học 2016-2017, Học viện dự kiến chào đón thêm 600 tân sinh viên khóa IV về tựu trường, nâng tổng số sinh viên của Học viện lên trên 1.800 sinh viên.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Học viện cũng từng ngày được bổ sung, hoàn thiện và nâng cấp. Với hơn 30 phòng học được trang bị hiện đại trong tòa nhà 15 tầng cùng với dãy nhà 3 tầng trải dài trên mặt đường Nguyễn Chí Thanh, sinh viên của Học viện được học tập, nghiên cứu, sinh hoạt trong một môi trường rộng rãi, an toàn, thuận tiện với các thiết bị dạy học hiện đại.
Cùng với sự phát triển về số lượng nói trên, Học viện đặc biệt quan tâm đến chất lượng đào tạo. Với phương châm: “Lấy chất lượng đào tạo làm trung tâm của sự phát triển”, Ban giám đốc Học viện rất chú trọng và đầu tư thích đáng cho các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo. Trong 3 năm qua, các khoa chuyên môn đã rất tích cực trong việc xây dựng chương trình, đề cương chi tiết; biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, duyệt giảng; tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học, các hội nghị, hội thảo chuyên đề với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực, các ngành mà Học viện đang đào tạo. Các chuyên gia từ các trường đại học, các học viện, viện nghiên cứu như: trường đại học Khoa học Xã hội& nhân văn, Đại học sư phạm, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại Thương, Đại học Công đoàn, Học viện Báo chí tuyên truyền, Học viện Thanh thiếu niên, Viện nghiên cứu Giới và Gia đình, Viện Khoa học xã hội…đều được Học viện mời đến để trao đổi, chia sẻ kiến thức, thông tin, kinh nghiệm giảng dạy đại học. Vì lợi ích của sinh viên, Học viện luôn mời những giảng viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy ở bậc đại học tham gia thỉnh giảng. 100% giảng viên cơ hữu của Học viện tham gia giảng dạy đại học có trình độ thạc sĩ trở lên; yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ.
Chuyên gia Mỹ giảng dạy tại học viện
Các hoạt động chuyên môn luôn được triển khai đúng qui trình, tuân thủ các qui định của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Đặc biệt, hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng đào tạo được lãnh đạo Học viện hết sức quan tâm. Chất lượng giảng dạy của giảng viên không chỉ được đánh giá, kiểm soát từ các bộ môn thông qua các hoạt động duyệt giảng, dự giờ mà còn được đánh giá bởi sinh viên sau khi kết thúc môn học. Sau mỗi kỳ học, sinh viên được tham gia đánh giá giảng viên 01 lần đối với tất cả các Học phần. Chỉ những giảng viên được bộ môn đánh giá và thông qua giáo án và bài giảng đạt yêu cầu; được sinh viên của khóa trước đánh giá cao mới tiếp tục được giảng dạy cho các khóa tiếp theo.
Cùng với các hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng giảng dạy, Học viện cũng rất quan tâm đến việc nâng cao kiến thức lý luận và thực tiễn cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn bổ sung, cập nhật kiến thức, thông tin, mỗi giảng viên đều phải tham gia nghiên cứu thực tế ít nhất 2 tuần/năm; Ban giám đốc Học viện luôn khuyến khích giảng viên học ngoại ngữ, đồng thời tổ chức các lớp học ngoại ngữ dành riêng cho giảng viên và sinh viên ngay tại Học viện để thu hút sự tham gia của các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên trong Học viện.
Đối với sinh viên, cùng với các hoạt động học tập trên lớp, các em còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa như tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề; tọa đàm với các chuyên gia; tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học; tham gia các cuộc gặp mặt, giao lưu và nhận các đơn đặt hàng về dịch vụ kinh doanh, marketing từ chính các doanh nhân trong Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam và Mạng lưới doanh nhân của Học viện; tham gia các hoạt động tình nguyện tại các cơ sở thực hành….Những hoạt động này không chỉ giúp các em có thêm kiến thức thực tiễn vô cùng phong phú, sinh động, mà còn được tham gia vui chơi thoải mái sau những giờ học lý thuyết căng thẳng trên lớp.
Sinh viên học viện tham gia ngày hội thắp nến phản đối Bạo lực gia đình
Để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng ngay khi tốt nghiệp ra trường, ngoài việc thiết kế chương trình đào tạo đảm bảo Khoa học –Hiện đại – Thực tiễn – Đặc thù, cách tổ chức cho sinh viên ngành Công tác xã hội đi kiến tập, thực hành cũng cho thấy Học viện rất chú trọng việc rèn luyện các kỹ năng thực hành nghề nghiệp: Số lượng sinh viên các nhóm thực hành chỉ trong khoảng 20- 25 sinh viên/nhóm; giảng viên được phân công hướng dẫn sinh viên thực hành đều là những người được đào tạo trình độ thạc sĩ đúng ngành Công tác xã hội. Thời gian giảng viên trực tiếp hướng dẫn sinh viên tại các cơ sở thực hành đảm bảo tối thiểu 50% thời gian đi thực hành của sinh viên; Sau mối đợt thực hành, các nhóm trình bày báo cáo và chia sẻ kinh nghiệm với các nhóm khác trong toàn khóa.
Sinh viên khoa CTXH thực hành tại TT Bảo trợ xã hội
Việc đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên cũng không chạy theo thành tích, số lượng. Để tránh tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường đạt loại giỏi nhưng lại không biết làm việc, tất cả giảng viên của Học viện đều được quán triệt việc đánh giá chính xác, khách quan, công bằng, thực chất; không nâng điểm và cũng không quá khắt khe, không thách đố sinh viên. Vì vậy, những sinh viên được học bổng đều là những em thật sự nỗ lực và có thành tích xuất sắc, nổi bật trong học tập cũng như rèn luyện.
Để bắt đầu cho năm học mới, năm học 2016 -2017, cùng với các hoạt động tuyển sinh, tổ chức các khóa học; Học viện Phụ nữ đang chuẩn bị cho các hoạt động nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; Hai lớp tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học, trong đó một lớp phương pháp nghiên cứu cơ bản dành cho các giảng viên, nghiên cứu viên trẻ, mới ra trường và một lớp phương pháp nghiên cứu nâng cao cho các giảng viên và nghiên cứu viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Có thể nói, bằng những bước đi thận trọng, chắc chắn, chú trọng nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng; Học viện Phụ nữ Việt Nam nhất định sẽ tạo dựng được thương hiệu của riêng mình, nhanh chóng trở thành một cơ sở đào tạo đại học công lập có uy tín, sánh tầm các cơ sở đào tạo đại học lớn trong nước và khu vực.