Tham dự Diễn đàn có sự hiện diện của 170 đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam và các quốc gia, Liên đoàn phụ nữ quốc tế, các tổ chức quốc tế và đại sứ quán các nước tại Việt Nam, trong đó có 15 vị khách đến từ Ấn Độ, Campuchia, Cu Ba, Trung Quốc, Mỹ, Philipin…

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN WOMEN tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn.

          Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến dự, phát biểu tại Diễn đàn.

Diễn đàn được tổ chức vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc, 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc kinh…để trao đổi những kết quả phụ nữ toàn thế giới đã đạt được, chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ của các nước, đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam và phụ nữ Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh “phụ nữ, hòa bình và phát triển có mối liên hệ đặc biệt, trong môi trường bất ổn, phụ nữ và trẻ em là đối tượng chịu khổ đau, mất mất vô cùng to lớn. Nhìn lại 20 năm sau Hội nghị Phụ nữ thế giới lần thứ 4 tại Bắc Kinh, với sự nỗ lực của nhiều quốc gia, tỉ lệ nữ trong Quốc hội tăng gấp đôi (từ 11% lên 22%), tử vong sản khoa giảm 45%, số phụ nữ tham gia lực lượng lao động tăng, nhiều nước đã ban hành luật pháp, chính sách về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái… Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như việc trả lương chưa bình đẳng, bạo lực với phụ nữ, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ…”. Bà cũng dẫn lời phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững liên quan đến việc Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ là ưu tiên hàng đầu, cam kết sát cánh cùng Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chung nhằm bảo đảm quyền bình đẳng và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở tất cả các quốc gia.

Bà Pratibha Mehta, điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định những dấu mốc quan trọng đối với phụ nữ bắt đầu từ CEDAW – công cụ quốc tế toàn diện bảo vệ quyền con người của phụ nữ, đến Cương lĩnh Bắc Kinh năm 1995, Nghị quyết số 1325 của Liên Hợp Quốc về phụ nữ và hòa bình, Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ toàn cầu (MMDs)…đã thể hiện những nỗ lực chung của tất cả các quốc gia quan tâm đến phụ nữ và bình đẳng giới trong tiến trình phát triển. Thành tựu thực hiện MMDs đạt được chưa dừng lại ở năm 2015, sẽ tiếp tục đến năm 2030 với 17 mục tiêu, 169 chỉ tiêu cụ thể, bảo đảm không một ai bị bỏ lại phía sau. Bà đánh giá cao vị trí, vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là trụ cột bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ tại Việt Nam thông qua các nỗ lực trong luật pháp, chính sách từ năm 1959 với Luật Hôn nhân và Gia đình đầu tiên, càng ngày càng nhiều văn bản quy phạm pháp luật được Hội tham gia, đề xuất và phản biện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Bà mong muốn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục vận động, tuyên truyền để giảm nhận thức bất bình đẳng giới, định kiến giới là nguyên nhân dẫn đến nhiều quy định tốt đẹp của pháp luật đối với phụ nữ không phát huy được tác dụng; cải thiện quyền cho phụ nữ: bảo đảm nơi ở cho phụ nữ, giảm bạo lực, nâng cao kỹ năng sống không bạo lực và xóa bỏ các rào cản sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực.  

Ông Nguyễn Thiện Nhân đã điểm lại vị trí, vai trò và những đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình hơn 4000 năm lịch sử hào hùng của đất nước, nhấn mạnh sự đóng góp quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong việc sinh ra những người anh hùng làm rạng danh đất nước và tay cày tay súng cùng nam giới bảo vệ Tổ quốc, đóng góp to lớn cho sự phát triển đất nước, bảo vệ quốc phòng, an ninh sau hòa bình lập lại. Đồng thời nhấn mạnh phụ nữ Việt Nam không chỉ giỏi việc nước mà còn có truyền thống đảm việc nhà, là người bà, người mẹ, người vợ luôn nêu cao tấm gương bao dung, nhân hậu hết lòng vì gia đình, chăm lo, gìn giữ những giá trị của người Việt được trao truyền qua hàng trăm thế hệ; bảo vệ và nuôi dưỡng cái nôi văn hóa của dân tộc Việt Nam…Ông tin tưởng Diễn đàn sẽ bàn bạc và đưa ra các khuyến nghị với Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, các quốc gia nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, giảm thiểu và đi đến xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ, xóa bỏ bạo lực gia đình, giúp phụ nữ thoát nghèo, bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở những vùng đang có xung đột vũ trang và chiến tranh…

Phiên họp chung của Diễn đàn đã nhìn lại thành tựu 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh với sự minh họa thực tiễn của Việt Nam và sự chia sẻ trực tiếp của các đại biểu tham dự diễn đàn về kinh nghiệm hay và bài học thực tiễn của Myanmar, Philipin và Mỹ.

Hội thảo chuyên đề “Phụ nữ và Hòa bình – An ninh” cung cấp, chia sẻ với các đại biểu thông tin về “15 năm sau Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”; “Vai trò của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế trong xây dựng, gìn giữ hoà bình”; “Phụ nữ Việt Nam xây dựng và gìn giữ hoà bình”; “Sự đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương về vấn đề bình đẳng giới”; “Hình ảnh phụ nữ – người xây đắp hoà bình trong văn học nghệ thuật”; “Xây dựng nền văn hóa vì hòa bình” và “Vai trò của người phụ nữ trong khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng đất nước – thực tiễn tại Quảng Trị”.

          Hội thảo chuyên đề “Phụ nữ và Phát triển” cung cấp, chia sẻ với các đại biểu thông tin về “Các chính sách thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống”; “Các nền kinh tế đang chuyển đổi – Hiện thực hoá quyền của phụ nữ”; “Quan hệ đối tác vì sự phát triển của phụ nữ”; “Thúc đẩy phụ nữ tham chính”; “Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”; “Hoạt động phòng, chống mua bán người”, “Hoạt động của Liên đoàn Phụ nữ Cu Ba…

Trong bối cảnh phụ nữ nhiều nước còn gặp không ít khó khăn, thách thức cả trong chính sách, pháp luật và thực tế, kết thúc Diễn đàn, các đại biểu đã ra lời kêu gọi các bên liên quan:

          1. Tăng cường sự chia sẻ thông tin, sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, củng cố và tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa phụ nữ và nhân dân các nước vì hòa bình, an ninh, vì bình đẳng giới thực chất và phát triển bền vững cho phụ nữ và các quốc gia nói chung, góp phần thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

          2. Lồng ghép vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới vào các chiến lược, chính sách, chương trình, kế hoạch của các quốc gia bảo đảm sự tham gia, đóng góp và thụ hưởng của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và kinh tế ở mọi cấp độ; tăng cường hiệu quả việc thực thi, theo dõi, giám sát việc thực thi các luật, chính sách và chiến lược liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới; tuyên truyền vận động để đảm bảo ưu tiên cho việc thực hiện mục tiêu 5 Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững (gọi tắt là SDG5) và các chỉ tiêu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; xóa bỏ các định kiến giới; xây dựng và sử dụng hiệu quả hơn dữ liệu thống kê giới cho việc hoạch định chính sách; tăng cường tiếng nói, sự tham gia, đóng góp của các tổ chức phụ nữ, tổ chức nhân dân trong các nỗ lực vì bình đẳng giới và phát triển bền vững của các quốc gia.

          3. Tăng cường sự chia sẻ trách nhiệm, tính trách nhiệm giải trình và đầu tư nguồn lực vì bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ.

          4. Tăng cường các sáng kiến về hòa bình, an ninh, giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo tốt hơn quyền của phụ nữ và trẻ em gái.

          5. Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu, trong đó Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân, hợp tác học hỏi Nam – Nam và hợp tác ba bên hỗ trợ và đồng hành với các quốc gia trong các nỗ lực vì hòa bình, an ninh, bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Ngày 7/10/2015, các đại biểu quốc tế thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, thăm mô hình về tài chính vi mô của Tổ chức Tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình thương (TYM) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và thăm Đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh, Hà Nội. 

Nguồn ảnh: http://dangcongsan.vn/; http://www.molisa.gov.vn/; http://pnvnnuocngoai.vn/