Kết nối và phục vụ cộng đồng là một hoạt động thường niên của Học viện Phụ nữ Việt Nam nói chung và Khoa Công tác xã hội nói riêng. Với sứ mệnh của một cơ sở giáo dục đại học, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối phục vụ cộng đồng mang nhiều màu sắc đa dạng và có chiều sâu chuyên môn. Được sự tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh, hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng đã thu được nhiều kết quả thiết thực.
Khoa Công tác xã hội đã tổ chức hoạt động tập huấn về Công tác xã hội với người cao tuổi cho 80% cán bộ, nhân viên của Trung tâm đang làm việc trực tiếp với người cao tuổi. Nội dung kiến thức tập trung vào xu hướng già hóa dân số và cơ hội, đặc điểm tâm sinh lý và nhu cầu của người cao tuổi, khái quát chung về Công tác xã hội với người cao tuổi. Đặc biệt buổi tập huấn đã tập trung vào hướng dẫn một số kỹ năng làm việc với người cao tuổi như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng quan sát, kỹ năng thấu cảm khi làm việc với người cao tuổi. Những kỹ năng này đặc biệt cần thiết cho các nhân viên công tác xã hội, giúp họ hiểu hơn vấn đề của người cao tuổi và hỗ trợ họ một cách chuyên nghiệp và khoa học.
Ngoài ra, các thầy cô trong đoàn công tác đã thực hiện các cuộc trò chuyện, chia sẻ, tham vấn trực tiếp với người cao tuổi để hỗ trợ tâm lý, giải tỏa cảm xúc, giúp người cao tuổi nâng cao năng lực trong quá trình tự giải quyết vấn đề.
Nhân viên của Trung tâm và người cao tuổi đang sống ở Trung tâm
Hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng của Khoa Công tác xã hội đã thành công tốt đẹp và nhận được sự tạo điều kiện, hỗ trợ nhiệt tình từ phía Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh. Với kết quả đạt được, hy vọng những nỗ lực phục vụ cộng đồng của Khoa Công tác xã hội sẽ góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên công tác xã hội tại cơ sở và hỗ trợ người cao tuổi tăng cường năng lực, tự giải quyết vấn đề. Đồng thời hoạt động thiết thực này cũng góp phần thực hiện sứ mệnh phục vụ cộng đồng của Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Nguyễn Văn Vệ – Khoa Công tác xã hội