Học viện và khoa CTXH luôn chú trọng đầu tư cho các hoạt động thực hành. Chương trình đào tạo CTXH có 4 học phần thực hành: Kiến tập CTXH (2 tín chỉ); Thực hành CTXH cá nhân (3 tín chỉ); Thực hành CTXH nhóm (3 tín chỉ); Thực hành phát triển cộng đồng (3 tín chỉ).
(1) Kiến tập công tác xã hội (1 tuần): Giúp sinh viên tìm hiểu về nghề CTXH. Sinh viên được đến các cơ sở thực hành sau khi hoàn thành học phần Nhập môn CTXH. Tại cơ sở, sinh viên được tìm hiều về các hoạt động của cơ sở, quan sát nhân viên làm việc để bước đầu hình dung được công việc nghề nghiệp. Hoạt động kiến tập làm tiền đề kiến thức thực tiễn cho các học phần tiếp theo. Khoa CTXH luôn nỗ lực tổ chức đưa sinh viên đến nhiều cơ sở khác nhau để sinh viên được tiếp cận đa dạng mô hình hoạt động nghề nghiệp.
Hình 1: Kiến tập tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3
Hình 2: Kiến tập tại Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh
Hình 3: Kiến tập tại Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Nhân Ái
Hình 4: Kiến tập tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương
(2). Thực hành CTXH cá nhân và CTXH nhóm (1 tháng): Sinh viên được thực hành tại các cơ sở bảo trợ. Tại đây, sinh viên được làm việc với các cá nhân, nhóm có vấn đề, vận dụng kiến thức và kỹ năng để tiến hành can thiệp. Thực hành cá nhân và nhóm giúp sinh viên củng cố lý thuyết cũng như áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học, có thái độ đúng đắn đối với nghề.
Hình 5: Sinh viên thực hành công tác xã hội cá nhân và nhóm tại trung tâm Phục hồi chức năng Người khuyết tật Thụy An
Hình 6: Sinh viên vận dụng kỹ năng thu thập thông tin
Hình 7: Sinh viên tổ chức hoạt động nhóm cho đối tượng
Hình 8: Sinh viên họp nhóm trao đổi chuyên môn
(3). Thực hành Phát triển cộng đồng (3 tuần): Địa điểm thực hành là các xã, thôn/xóm/bản còn nghèo. Sinh viên được chia thành từng nhóm về các xóm/thôn với sự hướng dẫn của giảng viên Khoa CTXH và 1 – 2 kiểm huấn viên là cán bộ hoặc những người có năng lực, kinh nghiệm trong thôn/xóm/bản. Các nhóm sinh viên sẽ sử dụng các công cụ PRA và các kỹ năng đã được học trên giảng đường để tiến hành tìm hiểu về vấn đề của cộng đồng, cùng với người dân xây dựng và thực hiện các dự án phát triển cộng đồng.
Hình 9: Thực hành Phát triển cộng đồng tại thị trấn Mãn Đức
Hình 10: Sinh viên tổ chức họp dân
Hình 11: Thành quả của dự án Phát triển cộng đồng
Hình 12: Thành quả của dự án Phát triển cộng đồng
Hình 13: Bế mạc đợt thực hành Phát triển cộng đồng
Công tác xã hội là một ngành khoa học ứng dụng, chương trình đào tạo phải chú trọng thực hành, có môi trường thực tế để trải nghiệm, phải được tham gia thực hành thường xuyên tại cơ sở nhằm rèn luyện các kỹ năng làm việc với cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng, từ đó hình thành thái độ và đạo đức nghề nghiệp. Với việc thực hành được chú trọng, Khoa Công tác xã hội – Học viện Phụ nữ Việt Nam đã gắn lý thuyết với thực hành, tạo cho sinh viên cơ hội được học tập, trao đổi, rèn luyện và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo tiền đề để sinh viên dễ dàng hòa nhập với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.