Sinh viên tốt nghiệp ngành CTXH có thể làm việc tại các cơ quan của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp từ Trung ương đến địa phương, hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cho các loại đối tượng xã hội khác nhau thuộc các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội… Bạn cũng có thể làm việc độc lập với vai trò là nhân viên xã hội, kiểm huấn viên, nhà nghiên cứu, hay cán bộ hoạch định chính sách xã hội.
Tuy nhiên, việc lựa chọn định hướng nghề nghiệp ngay từ khi lựa chọn ngành học sẽ giúp sinh viên ngành CTXH cụ thể hóa hành trình học tập và lựa chọn công việc của mình. Với mục tiêu đó, các em đã được bổ sung kiến thức về kỹ năng tìm kiếm việc làm và phỏng vấn, xin việc.
Chia sẻ với sinh viên ngành CTXH về chủ đề này, Ths. Nguyễn Văn Thanh – Giảng viên khoa CTXH, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã nêu ra những vấn đề cụ thể mà nhân viên CTXH tương lai cần xác định rõ như: Tại sao phải chọn đúng nghề? Mối quan hệ giữa nhu cầu của xã hội với đam mê và năng lực của bản thân; Những cơ hội việc làm của nhân viên CTXH…
Từ đó, giảng viên đã hướng các bạn đến các quy trình tiếp theo trong hành trình định hướng nghề nghiệp. Đó là việc lập kế hoạch, xác định mục tiêu cụ thể; Bổ sung các kỹ năng tìm việc cụ thể như: Kỹ năng tìm nguồn việc làm; Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ xin việc; Kỹ năng tham dự phỏng vấn. Thông qua buổi chia sẻ các em cũng được giới thiệu các nguồn tìm việc (qua các phương tiện thông tin, qua người thân hoặc qua cách tự xây dựng và giới thiệu hình ảnh của bản thân). Trao đổi về vấn đề này, sinh viên cũng nhận được những lời khuyên về việc nên làm (thường xuyên theo dõi các trang tuyển dụng; Gửi hồ sơ xin việc đi nhiều nơi) và tránh chỉ tập trung chờ đợi sự phản hồi ở một công việc hay không quan tâm, chủ động liên hệ với nhà tuyển dụng sau khi gửi hồ sơ xin việc.
Đối với công tác chuẩn bị hồ sơ xin việc nhằm đảm bảo khơi dậy sự chú ý và chiếm được cảm tình của nhà tuyển dụng các bạn sinh viên cũng được gợi ý về cách chuẩn bị thư xin việc; Bản CV với đầy đủ thông tin cá nhân, khả năng, bằng cấp, kinh nghiệm làm việc cũng như quan điểm, nguyện vọng nghề nghiệp; Bản sao bằng cấp hoặc thư giới thiệu.
Sau khi hướng dẫn và chia sẻ về những điều cần thiết cần chuẩn bị cho quá trình xin việc, giảng viên cùng sinh viên thực hành hoạt động tham dự phỏng vấn xin việc. Bằng hình thức đóng vai, các sinh viên đã được thực hành trả lời các câu hỏi và giải quyết các tình huống được đặt ra trong quá trình tham gia phỏng vấn tìm việc.
Cảm nhận về giờ học kỹ năng tìm kiếm việc làm và phỏng vấn, xin việc bạn Hoài An – Sinh viên K6 ngành CTXH cho biết: Em thấy đây là một giờ học rất bổ ích, đặc biệt là đối với chúng em, những sinh viên sắp bước vào năm cuối đại học. Kiến thức được thầy chia sẻ sẽ giúp chúng em chủ động chuẩn bị hành trang tìm việc cho mình ngay từ bây giờ.
Bạn Văn Lâm sinh viên K6 ngành CTXH chia sẻ: Sau giờ học này, em cảm thấy tự tin hơn với sự chuẩn bị của mình cho quá trình xin việc. Ngay từ bây giờ, em sẽ tiếp cận từng bước để tích lũy kinh nghiệm phục vụ cho quá trình tìm kiếm việc làm của mình. Và nếu có cơ hội biết đâu em cũng có thể tìm được công việc phù hợp ngay từ bây giờ với những kỹ năng vừa được trang bị.
Trang bị kỹ năng tìm kiếm việc làm cho sinh viên sẽ giúp các bạn trưởng thành hơn và có những bước chuẩn bị phù hợp trong quá trình tìm kiếm việc làm sau này.