Tại Trung tâm, số trẻ em nhiễm HIV/AIDS hiện đang được nuôi dưỡng, chăm sóc là 73 trẻ, trong đó có 71 trẻ mồ côi và 02 người nhiễm HIV/AIDS không có khả năng lao động. Lứa tuổi trẻ em đa dạng từ trẻ sơ sinh cho đến dưới 18 tuổi. Trong số những trẻ em nhiễm HIV/AIDS đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm có một số trẻ đã mồ côi cha mẹ, một số trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc một trong hai người đang trong thời gian thi hành án hay mất tích, không có ai nuôi dưỡng, một số trẻ em khác có gia đình nhưng bị bỏ rơi… Tất cả những trẻ em này đều rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, không còn nguồn nuôi dưỡng trong khi mang căn bệnh nan y. Với đặc điểm xuất thân như vậy, phần lớn trẻ em trước khi đến Trung tâm không được trang bị kỹ năng sống đầy đủ, các em luôn mặc cảm, tự ti, khó hòa nhập xã hội. Trẻ thiếu các kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc nhà, kỹ năng bao quát và quản lý cuộc sống, hòa nhập xã hội… Về trạng thái tâm lý tình cảm, do mang căn bệnh nan y, thêm một lý do nữa, các em là trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa nên trẻ có diễn biến tâm lý biến động thường xuyên thất thường, đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên.
Về thể lực, phần lớn trẻ em nhiễm HIV/AIDS có thể lực yếu hơn những trẻ em bình thường, mắc nhiều chứng bệnh do suy giảm hệ miễn dịch, thường xuyên ốm đau hơn. Với mức kinh phí đài thọ của nhà nước, mức ăn đối với trẻ được quy định chung: trẻ dưới 4 tuổi là 1.750.000 đồng/tháng; trẻ từ 4 đến 16 tuổi là 1.400.000 đồng/tháng và trẻ từ 16 tuổi trở lên là 1.050.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, do đặc thù trẻ em nhiễm HIV/AIDS là trẻ mang loại bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch, trẻ buộc phải uống thuốc điều trị suốt đời nên cần phải có chế độ ăn uống rất đầy đủ và điều độ. Nếu không có chế độ ăn uống đầy đủ và điều độ thì hiệu quả điều trị bệnh không đạt được. Với yêu cầu dinh dưỡng khắt khe đối với nhóm trẻ em này thì kinh phí nhà nước cấp không đảm bảo được đầy đủ. Để đảm bảo cho trẻ có chế độ dinh dưỡng tốt, hỗ trợ cho việc điều trị bệnh có hiệu quả, Trung tâm phải tính đến các nguồn thu khác của đơn vị, trong đó hoạt động tăng gia, sản xuất để đảm bảo nguồn dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ em là quan trọng.
Trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/AIDS có khuôn viên rất rộng, đất đai màu mỡ, bao gồm vườn cây ăn quả, ruộng trồng rau và khu vực nuôi thả gia súc, gia cầm. Việc hướng dẫn, dạy trẻ các kỹ năng lao động, kỹ năng làm việc nhóm, tăng gia sản xuất, kỹ năng bao quát và quản lý cuộc sống… là rất quan trọng. Chính vì điều này, Khoa Công tác xã hội đã tổ chức đưa đoàn sinh viên đến Trung tâm để phối hợp tổ chức hoạt động lao động cho trẻ em, hướng dẫn các em kỹ năng làm việc nhóm, phối hợp trồng, chăm sóc rau, nuôi gia súc, gia cầm nhằm hỗ trợ tạo nguồn thực phẩm dinh dưỡng cho các em với mong muốn trẻ sẽ có những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng hơn, góp phần nâng chất lượng bữa ăn, nhằm nâng cao đề kháng chống chọi với bệnh tật. Nhân dịp này, Khoa cũng tặng 150 con ngan giống cho Trung tâm để nuôi lấy thực phẩm cung cấp cho bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Sau hoạt động lao động sản xuất chung với trẻ em, đoàn sinh viên cũng tổ chức và tham gia nấu bữa trưa cùng cán bộ Trung tâm và trẻ để tăng thêm mối quan hệ gắn bó, đồng thời tạo cho trẻ em sự tự tin, hòa đồng giúp trẻ hòa nhập cuộc sống tốt hơn khi trưởng thành. Buổi chiều, đoàn giảng viên và sinh viên giao lưu văn nghệ với các em nhỏ bằng các tiết mục hát và nhảy sôi động.
Đây là những hoạt động thực tiễn giúp sinh viên làm giàu thêm kiến thức, trau dồi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm và có thái độ nghề nghiệp rõ ràng, tích cực. Sinh viên sau khi có trải nghiệm thực tiễn nghề sẽ say mê, hứng thú hơn đối ngành học, đặc biệt, sinh viên sẽ tự tin hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn, thuận lợi cho công việc sau này. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng giúp trẻ em nhiễm HIV/AIDS bị mồ côi, bị bỏ rơi tại Trung tâm được trau dồi các kỹ năng như: lao động, giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý xử lý công việc, hòa nhập xã hội… Mặt khác, các em được hỗ trợ cải thiện chất lượng các bữa ăn, giúp nâng cao thể lực, sức đề kháng để chống chọi bệnh tật. Hoạt động này cũng làm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa khoa Công tác xã hội với Trung tâm, duy trì cho sinh viên ngành Công tác xã hội các thế hệ có một địa điểm kiến tập, thực hành, thực tập hiệu quả.