Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Văn Hồi – Cục Trưởng Cục Bảo trợ xã hội, thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; PGS.TS. Nguyễn An Lịch – Viện Trưởng Viện ASXH và PTCĐ; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hường – Trường Công tác xã hội South Carolina Hoa Kỳ; đại diện tổ chức Unicef; đại diện Bộ Tư pháp; giảng viên các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm Công tác xã hội một số tỉnh. Giảng viên Khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng tham dự và phát biểu tại Hội thảo.
Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn An Lịch – Viện Trưởng Viện ASXH và PTCĐ đã đề cập đến những luật, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư liên quan đến Công tác xã hội, đặc biệt, Quyết định số 32/QĐ-TTg, ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020. Ông khẳng định, sau khi có Quyết định này, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng, hệ thống chính sách và pháp luật Việt Nam còn nhiều bất cập. Trong Văn kiện của Đảng, chưa đề cập đến vị trí, vai trò của Công tác xã hội, Quốc hội cũng chưa ban hành Luật về nghề CTXH. PGS.TS. Nguyễn An Lịch cho rằng chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước có vai trò rất quan trọng, là cơ sở để các cấp, các ngành triển khai, đưa CTXH đi vào đời sống xã hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống pháp luật về nghề Công tác xã hội; thực trạng và định hướng phát triển nghề Công tác xã hội tại Việt Nam; những kinh nghiệm quốc tế về khuôn khổ pháp luật phát triển nghề Công tác xã hội… Đặc biệt, bài tham luận của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hường – Trường CTXH South Carolina, Hoa Kỳ đã đưa ra bức tranh tổng thể về sự phát triển của Công tác xã hội trên thế giới, hệ thống quy phạm pháp luật về nghề Công tác xã hội tại các nước. Hệ thống luật quy định chức danh nghề nghiệp, chứng nhận chuyên môn đối với nhân viên công tác xã hội; các quy định về cơ sở quản lý, cung cấp dịch vụ công tác xã hội và các hình thức xử phạt đối với những hành vi trái nguyên tắc của người làm công tác xã hội. Luật đã tạo ra hành lang pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan tới việc thực hành Công tác xã hội và bảo vệ con người.
Hội thảo cũng có sự chia sẻ của các đại biểu tham dự về sự phát triển của Công tác xã hội trong các lĩnh vực, các nhóm đối tượng đặc thù. Những thông tin từ Hội thảo sẽ là tài liệu quan trọng phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu về Công tác xã hội tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.