Tham gia và chủ trì Hội thảo có bà Nguyễn Thị Hằng – Nguyên Bộ Trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam; ông Nguyễn Hải Hữu – Phó chủ tịch Hiệp hội và ông Nguyễn Văn Hồi – Cục Trưởng cục Bảo trợ xã hội (thuộc Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội).
Tới dự và tham gia phát biểu ý kiến tại Hội thảo, ngoài đại diện các đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội như: Vụ Pháp chế, Cục Bảo trợ xã hội, Viện Nghiên cứu Lao động xã hội…. còn có đại diện các bộ như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp. Đây là các bộ có liên quan đến luật pháp, chính sách hoặc đang triển khai các Đề án phát triển nghề Công tác xã hội trong bộ/ngành. Tham dự Hội thảo còn có đại diện một số cơ sở giáo dục đang đào tạo nguồn nhân lực Công tác xã hội và đại diện các cơ sở cung cấp các dịch vụ Công tác xã hội công lập và ngoài công lập.
Hội thảo đã được nghe đại diện nhóm nghiên cứu Luận cứ xây dựng Luật Công tác xã hội trình bày Báo cáo rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về Công tác xã hội ở Việt Nam, về hệ thống văn bản qui phạm pháp luật trực tiếp và gián tiếp điều chỉnh các quan hệ trong hoạt động Công tác xã hội; chỉ ra những khoảng trống của pháp luật về Công tác xã hội để làm luận cứ đề xuất xây dựng Luật.
Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu cũng báo cáo kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về Luật Công tác xã hội và đưa ra các khuyến nghị, đề xuất về khung Luật Công tác xã hội Việt Nam. Theo đó, nội dung của Luật Công tác xã hội nếu được xây dựng sẽ tập trung vào các qui định về chức năng, nhiệm vụ của Công tác xã hội; vai trò của nhân viên Công tác xã hội; quyền và nghĩa vụ của đối tượng sử dụng dịch vụ Công tác xã hội; tiêu chuẩn của nhân viên Công tác xã hội; điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề Công tác xã hội đối với người Việt Nam; điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề Công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe ông Hà Đình Bốn – Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội trình bày những căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc xây dựng Luật Công tác xã hội cũng như các bước phải tiến hành trong qui trình xây dựng Luật. Để có luận cứ đề xuất xây dựng Luật Công tác xã hội, ngoài việc nghiên cứu quan điểm của Đảng, pháp luật hiện hành của nhà nước có liên quan đến nghề Công tác xã hội, còn phải nghiên cứu đánh giá tác động của Luật Công tác xã hội đối với các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; tác động của Luật đến các nhóm đối tượng được hưởng lợi và cả đánh giá tác động về giới; sự tương thích giữa Luật Công tác xã hội nếu được xây dựng, ban hành với các luật hiện hành.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Các đại biểu đã thảo luận khá sôi nổi về về sự cần thiết phải có Luật công tác xã hội. Theo các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, việc xây dựng Luật công tác xã hội rất phù hợp với chủ trương, chính sách/pháp luật của Đảng và Nhà nước về An sinh xã hội nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Các đại biểu nêu ra thực trạng nhận thức còn hạn chế về Công tác xã hội của các cấp lãnh đạo và người dân, vì vậy, việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về Công tác xã hội của một số bộ, ngành còn lúng túng. Các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, bất cập của đội ngũ nhân viên CTXH hiện nay trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình do thiếu quyền hạn; thiếu cơ sở pháp lý; hiệu quả hoạt động CTXH ở Việt Nam chưa cao; ngành Công tác xã hội chưa khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực An sinh xã hội. Về phạm vi điều chỉnh Luật, các đại biểu cho rằng nên giới hạn đối tượng trợ giúp của Công tác xã hội là những người yếu thế trong xã hội như: người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi đơn thân, người nghèo…
Kết thúc phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Hồi đã tóm tắt các ý kiến phát biểu và thống nhất những nội dung cơ bản của Luận cứ xây dựng dự thảo Luật như sau: Tên Luật là Luật Công tác xã hội. Về loại hình luật: Luật khung nhưng có một số nội dung cần qui định chi tiết. Về quan điểm xây dựng luật: quán triệt nguyên tắc không làm thay đổi bộ máy biên chế, không làm tăng ngân sách nhà nước; nội dung Luật không chồng chéo với các Luật khác. Nội dung cơ bản của Luật Công tác xã hội sẽ tập trung vào các qui định làm rõ nội hàm của khái niệm Công tác xã hội, qui định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác xã hội; qui định tiêu chuẩn và qui trình cấp chứng chỉ hành nghề Công tác xã hội cho người Việt Nam và cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Qui định về đạo đức nghề Công tác xã hội; về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Qui định về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xã hội; Qui định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội.
Bế mạc Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam đã cảm ơn và đánh giá cao sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo. Bà cũng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Luận cứ để Luận cứ sớm được trình lên Chính phủ và được Quốc hội thông qua.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm