Mục đích của Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, cán bộ, giảng viên thuộc các trường đại học và các cơ sở/trung tâm giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm về thực trạng các mô hình công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hiện nay; thu thập dữ liệu phục vụ cho biên soạn Giáo trình: “Công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”; trên cơ sở nghiên cứu thực trạng các mô hình công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xã hội, tiến hành tổng hợp kinh nghiệm để đưa vào giảng dạy cho sinh viên, học viên ngành Công tác xã hội tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Hiệp hội các trường đào tạo nghề Công tác xã hội Việt Nam, Đại học Lao động – Xã hội; Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; Tổ chức Hagar Quốc tế; Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh. Tham dự Hội thảo, về phía Học viện Phụ nữ Việt Nam có TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện; cán bộ, giảng viên một số đơn vị trong Học viện; toàn thể giảng viên và một số sinh viên tiêu biểu của khoa Công tác xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng định việc tổ chức Hội thảo là rất cần thiết, đặc biệt, các Hội thảo cần đi vào các chuyên đề cụ thể, sâu sắc. Sau phát biểu khai mạc là phần trình bày đề dẫn Hội thảo do TS. Đoàn Thị Thanh Huyền – Phó Trưởng khoa Công tác xã hội trình bày. Báo cáo đề dẫn đã chỉ rõ: Công tác xã hội ngày càng đóng vai trò to lớn trong việc trợ giúp cá nhân, gia đình, nhóm người trong cộng đồng và các hệ thống xã hội nhằm đạt được sự thay đổi về mặt xã hội, giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với con người và đảm bảo an sinh xã hội. Xã hội càng phát triển, càng nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, đòi hỏi công tác xã hội ngày càng phải nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa. Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 12/2015, Việt Nam có khoảng 2,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; rất nhiều trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống và phát triển toàn diện. Việc xây dựng và phát triển các mô hình công tác xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ giúp trẻ em, cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ tại trung tâm hoặc ở cộng đồng nơi trẻ em sinh sống tiếp cận với dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp, nhằm giải quyết những nhu cầu cần thiết đối với trẻ.
Tại Hội thảo, có 5 báo cáo tham luận được trình bày. Tham luận “Tổng quan về các mô hình công tác xã hội với trẻ em” tập trung vào các nội dung chính như: Các mô hình công tác xã hội với trẻ em trên thế giới và các mô hình công tác xã hội với trẻ em ở Việt Nam. Theo tổng quan của tác giả, hiện nay ở Việt Nam có những mô hình công tác xã hội với trẻ em như sau: Mô hình Trung tâm công tác xã hội; mô hình Văn phòng tư vấn và mô hình Điểm tư vấn tại cộng đồng. Để phát triển hơn nữa mạng lưới các mô hình công tác xã hội với trẻ em, bài tham luận cũng đưa ra một số khuyến nghị như: Tiếp tục phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa Điểm công tác xã hội tại cộng đồng – Văn phòng tư vấn- Trung tâm công tác xã hội và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trong việc cung cấp dịch vụ liên tục và kịp thời cho trẻ em, trên cơ sở hình thành cơ chế phối kết hợp và chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi trong suốt quá trình cung cấp dịch vụ cho trẻ em; Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em, bên cạnh việc tạo đạo cơ bản ở các trường đại học thì việc đào tạo kỹ năng thực hành ở các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội cũng rất quan trọng để bảo đảm tiêu chuẩn thực hành tối thiểu cho các nhân viên công tác xã hội trước khi hành nghề; Tạo cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em và tạo cơ chế phối hợp công- tư trên cơ sở bảỏ đảm quyền lợi của khu vực tư nhân và trách nhiệm của nhà nước để tạo ra sự sẵn có của dịch vụ cho trẻ em.
Cũng tại Hội thảo, đại biểu đến từ Đại học Sư phạm Hà Nội đã trình bày tham luận với chủ đề “Mô hình giáo dục hòa nhập cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt”. Tác giả đưa ra xu thế tiếp cận giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt hiện nay: Mở rộng các nhóm trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt và tiếp tục phát triển các nghiên cứu về khái niệm, công cụ, phương pháp đánh giá, chẩn đoán các nhóm trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt; Giáo dục hòa nhập tiếp tục là xu hướng phát triển tất yếu của Giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt để đáp ứng khả năng, nhu cầu của trẻ có nhu cầu đặc biệt; Tiếp tục phát triển các chương trình, dịch vụ hỗ trợ giáo dục đặc biệt; Phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng dạy các kỹ năng đặc thù cho từng nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt; Đảm bảo cơ sở vật chất, phát triển chương trình liên kết. Tác giả trình bày khái quát về giáo dục hòa nhập hiện nay ở Việt Nam như: Hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở 20 tỉnh, thành phố; 17 trung tâm cấp tỉnh và cấp huyện; 7 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt và được triển khai ở tất cả các cấp mầm non, phổ thông trên cả nước. Giáo dục hòa nhập cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ em. Bên cạnh đó, tham luận cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong việc giáo dục hòa nhập cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt như: Giáo viên đồng thời phải dạy cả hai đối tượng là trẻ không khuyết tật và trẻ khuyết tật, đôi khi không chý ý hết được khả năng và nhu cầu của trẻ khuyết tật, đặc biệt là những giáo viên chưa đảm bảo chuyên môn về giáo dục trẻ khuyết tật; Môi trường giáo dục đôi khi chưa phù hợp: mối quan hệ bạn bè, cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học chưa đảm bảo yêu cầu.
Tham luận “Đề xuất mô hình hoạt động công tác xã hội với trẻ em lao động sớm ở Việt Nam từ kinh nghiệm của Philippines” đi vào phân tích thực trạng lao động sớm của trẻ em Việt Nam qua các dữ liệu thống kê thu được từ cuộc điều tra mức sống hộ gia đình năm 2014, đồng thời vận dụng kinh nghiệm công tác xã hội từ thực tiễn của Philippines vào đề xuất mô hình hoạt động công tác xã hội cần thiết hướng tới hộ gia đình, bản thân trẻ và cơ sở giáo dục nhằm “giữ trẻ tại nhà”, “giữ trẻ tại trường” cũng như giảm thiểu nguy cơ trẻ em tham gia lao động sớm.
Ngoài những bài tham luận của các trường đại học, Hội thảo còn được tiếp cận với những hoạt động công tác xã hội với trẻ em của các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Hagar quốc tế, Tổ chức Trẻ em Rồng xanh. Các tác giả đã cung cấp cho Hội thảo bức tranh tổng quan về mô hình của các tổ chức, những hoạt động hỗ trợ cụ thể với trẻ em trải qua bạo lực và xâm hại, mô hình hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em lang thang ở Việt Nam.
Hội thảo nhận được nhiều chia sẻ, trao đổi của các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Hội thảo đã thành công tốt đẹp.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo