Ban tổ chức hội nghị gồm các đơn vị: Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP); Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) ; Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA); Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI); Viện Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội, Môi trường (iSEE); Viện Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (Light); Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth); Ban Hành động vì Sự phát triển Hòa nhập (IDEA); Hội Y tế Công cộng (VPHA).
Hoạt động này là sáng kiến của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các bài học thực tiễn cũng như nâng cao vai trò của khu vực xã hội dân sự để giải quyết tình trạng bạo lực tình dục đang gia tăng trong thời gian qua. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, là cơ hội để các tổ chức, cá nhân chia sẻ kết quả nghiên cứu, bài học thực tiễn, các mô hình can thiệpđã được thực hiệnnhằm cung cấp các khuyến nghị cho cải thiện chính sách, góp phần giải quyết tình trạng bạo lực tình dục ở Việt Nam hiện nay
Gần 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan chính phủ, các chuyên gia luật pháp, các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, các nhà thực thi pháp luật, các nhà hoạt động xã hội, các nhà giáo dục, đại diện cộng đồng, học sinh, thanh niên và giới truyền thông đã tham dự Hội nghị. Đại diện của các cơ quan Liên Hiệp Quốc, đại sứ quán nhiều nước và các tổ chức quốc tế cũng đến tham dự, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hoạt động có ý nghĩa này. Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng đã cử đại diện tham gia hội thảo và có những ý kiến phát biểu.
Với 3 phiên toàn thể và 9 phiên thảo luận song song, hội nghị đã rà soát tình trạng bạo lực tình dục trong bối cảnh văn hóa, xã hội và chính trị của Việt Nam qua kết quả nghiên cứu và mô hình can thiệp; xây dựng và cung cấp các khuyến nghị cho cải thiện chính sách, xây dựng chương trình, truyền thông và tổ chức các hoạt động xã hội để giải quyết bạo lực tình dục; thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan tài trợ quốc tế trong xác định ưu tiên và tìm giải pháp cho bạo lực tình dục ở Việt Nam.
Các phiên hội thảo đã đề cập đến chủ đề bạo lực tình dục từ nhiều góc độ đa dạng: xâm hại tình dục với trẻ em và vị thành niên; bạo lực tình dục trong gia đình: vết nứt ngầm dưới nền nhà; bạo lực tình dục với người đồng tính, song tính và chuyển giới; giáo dục giới tính và tình dục trong trường học; bạo lực tình dục trong thời đại công nghệ; quấy rối tình dục tại nơi làm việc; các sáng kiến và mô hình phòng ngừa bạo lực tình dục….
Các tham luận trong hội nghị đều lên tiếng bày tỏ: Xã hội, các đơn vị chức năng liên quan cần quan tâm, nhìn nhận đúng mức hơn về bạo lực tình dục. Các tham luận cũng phân tích sự bất bình đẳng mang tính hệ thống trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là bất bình đẳng giới nằm sau các vấn đề bạo lực và lạm dụng tình dục. Hội nghị đồng thời cũng thảo luận về chiến lược tăng cường sự hợp tác hiệu quả của các bên liên quan nhằm giải quyết tình trạng bạo lực tình dục ở Việt Nam.